Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Lục Vân Tiên 3

  1. Đoạn này đến thứ Nguyệt Nga,
    Hà-khê phủ ấy theo cha học hành.
    Kiều công lên chức thái khanh,
    Chỉ sai ra huyện Đông-thành chăn dân[1].
    Ra tờ khắp hết xa gần,
    1270
    Hỏi thăm họ Lục tìm lần đến nơi.
    Khiến quân đem bức thư mời,
    Lục ông vưng lịnh tới nơi dinh tiền.
    Kiều công hỏi chuyện Vân Tiên,
    Lục ông thấy hỏi bỗng liền khóc than.
    1275
    Thưa rằng: "Nghe tiếng đồn vang,
    Con tôi nhuốm bịnh giữa đàng bỏ thây.
    Biệt tin từ ấy nhẫn nay[2],
    Phút nghe người hỏi dạ này xốn xang!"
    Kiều công trong dạ bàng hoàng,
    1280
    Trở vào nói lại với nàng Nguyệt Nga:
    "Lục ông nói lại cùng cha.
    Duyên con rày đã trôi hoa giạt bèo.
    Riêng than chút phận tơ điều[3],
    Hán-giang chưa gặp Ô-kiều lại rơi[4]".
    1285
    Nàng rằng: "Phải thiệt như lời,
    Xin cha sai kẻ mời người vào trong".
    Nguyệt Nga đứng dựa bên phòng,
    Tay ôm bức tượng khóc ròng như mưa.
    Công rằng: "Nào bức tượng xưa,
    1290
    Nguyệt Nga con khá đem đưa người nhìn".
    Lục ông một buổi ngồi nhìn,
    Tay chơn mặt mũi giống in con mình.
    Chuyện trò sau trước phân minh,
    Lục ông khi ấy sự tình mới hay:
    1295
    "Thương con phận bạc lắm thay,
    Nguyền xưa còn đó con rày đi đâu?"
    Nguyệt Nga chi xiết nỗi sầu,
    Lục ông thấy vậy thêm đau gan vàng.
    Kiếm lời khuyên giải với nàng:
    1300
    "Giải cơn phiền não kẻo mang lấy sầu.
    Người đời như bóng phù du[5],
    Sớm còn tối mất công phu lỡ làng[6].
    Cũng chưa đồng tịch đồng sàng[7],
    Cũng chưa nên nghĩa tào khang đâu mà!
    1305
    Cũng như cửa sổ ngựa qua,
    Nghĩ nào mà ủ mặt hoa cho phiền".
    Nàng rằng: "Trước đã trọn nguyền,
    Dẫu thay mái tóc phải nhìn mối tơ".
    Công rằng: Chút nặng tình xưa,
    1210
    Bèn đem tiền bạc tạ đưa cho người.
    Lục ông cáo tạ xin lui:
    "Tôi đâu dám chịu của người làm chi?
    Ngỡ là con trẻ mất đi,
    Hay đâu cốt cách còn ghi tượng này.
    1215
    Bây giờ con lại thấy đây,
    Tấm lòng thương nhớ dễ khuây đặng nào?
    Ngửa trông đất rộng trời cao,
    Tre còn măng mất lẽ nào cho cân!"
    Lục ông từ tạ lui chân,
    1320
    Kiều Công sai kẻ gia thần đưa sang.
    Nguyệt Nga nhuốm bịnh thở than,
    Năm canh lụy ngọc xốn xang lòng vàng:
    "Nhớ khi thề thốt giữa đàng,
    Chưa nguôi nỗi thảm lại vương lấy sầu.
    1325
    Công đà chờ đợi bấy lâu,
    Thà không cho gặp buổi đầu thời thôi.
    Biết nhau chưa đặng mấy hồi,
    Kẻ còn người mất trời ôi là trời.
    Thề xưa tạc dạ ghi lời,
    1330
    Thương người quân tử biết đời nào phai.
    Tiếc thay một đấng anh tài,
    Việc văn việc võ nào ai dám bì?
    Thương vì đèn sách lòng ghi,
    Uổng công nào thấy tiếng gì là đâu!
    1335
    Thương vì hai tám tuổi đầu,
    Người đời như bóng phù du lỡ làng.
    Thương vì chẳng đặng hiển vang,
    Nước trôi sự nghiệp hoa tàn công danh.
    Thương vì đôi lứa chưa thành,
    1340
    Vùa hương bát nước[8] ai dành ngày sau.
    Năm canh chẳng ngớt giọt châu,
    Mặt nhìn bức tượng ruột đau như dần.
    Dương gian nay chẳng đặng gần,
    Âm cung biết có thành thân chăng là?"
    1345
    Kiều công thức dậy bước ra,
    Nghe con than khóc xót xa lòng vàng.
    Khuyên rằng: "Con chớ cưu mang,
    Gẫm trong còn mất là đàng xưa nay.
    Đờn cầm ai nỡ dứt dây,
    1350
    Chẳng qua con tạo đổi xây không thường"
    Nàng rằng: "Khôn xiết nỗi thương,
    Khi không gãy gánh giữa đường chẳng hay.
    Nay đã loan phụng lẽ bầy,
    Nệm nghiêng gối chích phận này đã cam.
    1355
    Trăm năm thề chẳng lòng phàm,
    Sông Ngân đưa bạn cầu Lam rước người[9].
    Thân con còn đứng giữa trời,
    Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi".
    Kiều công trong dạ chẳng vui:
    1360
    "Con đành giữ tiết trọn đời hay sao?"
    Có người sang cả ngôi cao,
    Thái sư chức trọng trong trào sắc phong.
    Nghe đồn con gái Kiều công,
    Nay mười sáu tuổi tơ hồng chưa vương.
    1365
    Thái sư dùng lễ vật sang,
    Mượn người mai chước[10] kết đàng sui gia.
    Kiều công khôn ép Nguyệt Nga,
    Lễ nghi đưa lại về nhà thái sư.
    Thái sư chẳng biết rộng suy,
    1370
    Đem điều oán hận sớm ghi vào lòng.
    Xảy đâu giặc mọi hành hung,
    Ô-qua[11] quốc hiệu binh nhung dấy loàn.
    Đánh vào tới ải Đồng-quan,
    Sở vương phán hỏi lưỡng ban quần thần:
    1375
    "Sao cho vững nước an dân,
    Các quan ai biết mưu thần bày ra?"
    Thái sư nhớ việc cừu nhà,
    Vội vàng quì xuống tâu qua ngai vàng:
    "Thuở xưa giặc mọi dấy loàn,
    1380
    Vì ham sắc tốt phá tàn Trung-hoa.
    Muốn cho khỏi giặc Ô-qua,
    Đưa con gái tốt giao hòa thời xong.
    Nguyệt Nga là gái Kiều công,
    Tuổi vừa hai tám má hồng đương xinh.
    1385
    Nàng đà có sắc khuynh thành,
    Lại thêm rất bực tài tình hào hoa.
    Đưa nàng về nước Ô-qua,
    Phiên vương ưng dạ ắt là bãi binh".
    Sở vương nghe tấu thuận tình,
    1390
    Châu phê dạy sứ ra dinh Đông-thành.
    Sắc phong Kiều lão thái khanh:
    "Việc trong nhà nước đã đành cậy ngươi,
    Nguyệt Nga nàng ấy nên người,
    Lựa ngày tháng chín hai mươi cống Hồ".
    1395
    Kiều công vâng lịnh nhà vua,
    Lẽ nào mà dám nói phô điều nào.
    Nguyệt Nga trong dạ như bào,
    Canh chầy chẳng ngủ những thao thức hoài.
    Thất tình trâm nọ biếng cài,
    1400
    Dựa mình bỏ xả tóc dài ngồi lo:
    "Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ,
    Bởi người Diên Thọ họa đồ gây nên[12].
    Hạnh Ngươn[13] xưa cũng chẳng yên,
    Bởi chưng Lư Kỉ cựu hiềm còn ghi.
    1405
    Hai nàng chẳng đã phải đi,
    Một vì ngay chúa một vì thảo cha.
    Chiêu Quân nhảy xuống giang hà,
    Thương vua nhà Hớn nàng đà quyên sinh.
    Hạnh Ngươn nhảy xuống Trì-linh,
    1410
    Thương người Lương Ngọc duyên lành phôi pha.
    Tới nay phận bạc là ta,
    Nguyện cùng bức tượng trót đà chung thân.
    Tình phu phụ nghĩa quân thần,
    Nghĩa xa cũng trọn ơn gần cũng nên.
    1415
    Nghĩa tình nặng cả hai bên,
    Nếu ngay cùng chúa lại quên ơn chồng.
    Sao sao[14] một thác thời xong,
    Lấy mình báo chúa lấy mình sự phu".
    Kiều công nương gối đang lo,
    1420
    Nghe con than thở mấy câu thêm phiền.
    Kêu vào ngồi dựa trướng tiền,
    Lấy lời dạy dỗ cho tuyền thân danh[15]:
    "Chẳng qua là việc triều đình,
    Nào cha có muốn ép tình chi con".
    1425
    Nàng rằng: "Con kể chi con,
    Bơ vơ chút phận mất còn quản bao.
    Thương cha tuổi tác đã cao,
    E khi ấm lạnh buổi nào biết đâu.
    Tuổi già bóng xế nhành dâu,
    1430
    Sớm xem tối xét ai hầu cho cha?"
    Công rằng: "Chẳng sá việc nhà,
    Hãy an dạ trẻ mà qua nước người.
    Hôm nay đã tới mồng mười,
    Khá toan sắm sửa hai mươi tống hành".
    1435
    Nàng rằng: "Việc ấy đã đành,
    Còn lo hai chữ ân tình chưa xong.
    Con xin sang lạy Lục ông,
    Làm chay bảy bữa trọn cùng Vân Tiên.
    Ngõ cho ơn ngãi vẹn tuyền,
    1440
    Phòng sau xuống chốn huỳnh tuyền gặp nhau".
    Kiều công biết nghĩ trước sau,
    Dạy cho tiền bạc cấp hầu đưa đi.
    Lục ông ra rước một khi,
    Nguyệt Nga vào đặt lễ nghi sẵn sàng.
    1445
    Ngày lành giờ ngọ đăng đàn,
    Ăn chay nằm đất cho chàng Vân Tiên.
    Mở ra bức tượng treo lên,
    Trong nhà cho tới láng giềng đều thương.
    Nguyệt Nga cất tiếng khóc than:
    1450
    "Vân Tiên anh hỡi suối vàng có hay!"
    Bảy ngày rồi việc làm chay,
    Lại đem tiền bạc tạ rày Lục ông:
    "Trông chồng mà chẳng thấy chồng,
    Đã đành một nỗi má hồng vô duyên.
    1455
    Rày vua gả thiếp về Phiên,
    Quyết lòng xuống chốn cửu tuyền thấy nhau.
    Chẳng chi cũng gọi là dâu,
    Muốn lo việc nước phải âu đạo nhà.
    Một ngày một bước một xa,
    1460
    Của này để lại cho cha dưỡng già".
    Lạy rồi nước mắt nhỏ sa,
    Ngùi ngùi lạy tạ bước ra trở về.
    Các quan xe giá bộn bề,
    Năm mươi thể nữ hầu kề chơn tay.
    1465
    Hai mươi nay đã đến ngày,
    Các quan bảo hộ đưa ngay xuống thuyền.
    Nguyệt Nga vội khiến Kim Liên,
    Lên mời thân phụ xuống thuyền xem qua.
    Công rằng: "Thật dạ xót xa,
    1470
    Con đừng bịn rịn cho cha thảm sầu".
    Nàng rằng: "Non nước cao sâu,
    Từ đây xa cách khôn hầu thấy cha.
    Thân con về nước Ô-qua,
    Đã đành một nỗi làm ma đất người.
    1475
    Hai phương nam bắc cách vời,
    Chút xin gởi lại một lời làm khuây.
    Hiu hiu gió thổi ngọn cây,
    Ấy là hồn trẻ về rày thăm cha".
    Kiều công lụy ngọc nhỏ sa,
    1480
    Các quan ai nấy cũng là đều thương.
    Chẳng qua việc ở quân vương,
    Cho nên phụ tử hai đường xa xuôi.
    Buồm trương thuyền vội tách vời,
    Các quan đưa đón ngùi ngùi đứng trông.
    1485
    Mười ngày đã tới ải Đồng,
    Mênh mông biển rộng đùng đùng sóng xao.
    Đêm nay chẳng biết đêm nào,
    Bóng trăng vằng vặc bóng sao mờ mờ.
    Trên trời lặng lẽ như tờ,
    1490
    Nguyệt Nga nhớ nỗi tóc tơ chẳng tròn.
    Than rằng: "Nọ nước kìa non,
    Kiểng thời thấy đó người còn về đâu?"
    Quân hầu đều ngủ đã lâu,
    Lén ra mở bức rèm châu một mình:
    1495
    "Vắng người có bóng trăng thanh,
    Trăm năm xin gởi chút tình lại đây.
    Vân Tiên anh hỡi có hay?
    Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng".
    Than rồi lấy tượng vai mang,
    1500
    Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay.
    Kim Liên thức dậy mới hay,
    Cùng quân thể nữ một bầy đều lo.
    Cùng nhau lặng chẳng dám hô,
    Thầm toan mưu kế chẳng cho lậu tình:
    1505
    "Việc này là việc triều đình,
    Đốc quan hay đặng ắt mình thác oan.
    Muốn cho cẩn nhiệm trăm đàng,
    Kim Liên thế lấy làm nàng Nguyệt Nga.
    Trá hôn về nước Ô-qua,
    1510
    Ai mà vạch lá ai mà tìm sâu?"
    Tính rồi xong xả chước mầu,
    Phút nghe thuyền đã đến đầu ải quan.
    Đốc quan xe giá sửa sang,
    Kiệu trương lọng phụng rước nàng về Phiên.
    1515
    Nào hay tì tất Kim Liên,
    Đặng làm hoàng hậu nước Phiên một đời.
    Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời,
    Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày.
    Bóng trăng vừa khuất ngọn cây,
    1520
    Nguyệt Nga hồn hãy chơi rày âm cung.
    Xiết bao sương tuyết đêm đông,
    Mình nằm giữa bãi lạnh lùng ai hay?
    Quan-âm thương đấng thảo ngay,
    Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa.
    1525
    Dặn rằng: "Nàng hỡi Nguyệt Nga!
    Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày.
    Đôi ba năm nữa gần đây,
    Vợ chồng sao cũng sum vầy một nơi".
    Nguyệt Nga giây phút tỉnh hơi,
    1530
    Định hồn mới nghĩ mấy lời chiêm bao.
    Nên hư chưa biết làm sao,
    Bây giờ biết kiếm chốn nào dung thân?

    Một mình luống những bâng khuâng,
    Phút đâu trời đã rạng hừng vừng đông.
    1535
    Một mình mang bức tượng chồng,
    Xảy đâu lại gặp Bùi ông dạo vườn.
    Ông rằng: "Nàng ở hà phương,
    Việc chi mà tới trong vườn hoa ta?"
    Nàng rằng: "Trận gió hôm qua,
    1540
    Chìm thuyền đến nỗi mình ra thế này.
    Tối tăm sẩy bước tới đây,
    Xin soi xét tới thơ ngây lạc đàng".
    Bùi ông đứng nhắm tướng nàng,
    Chẳng trang đài các cũng hàng trâm anh.
    1545
    Đầu đuôi han hỏi sự tình,
    Nàng bèn lời thiệt việc mình bày qua.
    Bùi ông mừng rước về nhà,
    Thay xiêm đổi áo nuôi mà làm con.
    Rằng: "Ta sanh đặng chồi non,
    1550
    Tên là Bùi Kiệm hãy còn ở kinh.
    Trong nhà không gái hậu sinh,
    Ngày nay đặng gặp minh linh phước trời".
    Nguyệt Nga ở đã an nơi,
    Đêm đêm nghĩ lượng việc đời gần xa.
    1555
    Một lo về nước Ô-qua,
    E vua bắt tội cha già rất oan.
    Hai lo phận gái hồng nhan,
    Sợ khi bảo dưỡng mưu toan lẽ gì[16]:
    Nguyệt Nga luống những sầu bi,
    1560
    Xảy đâu Bùi Kiệm tới khi về nhà.
    Từ ngày thấy mặt Nguyệt Nga,
    Đêm đêm trằn trọc phòng hoa mấy lần.
    Thấy nàng thờ bức tượng nhân,
    Nghiệm trong tình ý dần lân[17] hỏi liền:
    1565
    "Tượng này sao giống Vân Tiên?
    Bấy lâu thờ có linh thiêng đều gì?"
    Nàng rằng: "Làm phận nữ nhi,
    Một câu chánh tiết[18] phải ghi vào lòng.
    Trăm năm cho vẹn đạo tòng,
    1570
    Sống sao thác vậy một chồng mà thôi".
    Kiệm rằng: "Nàng nói sai rồi,
    Ai từng bán đắt mà ngồi chợ trưa?
    Làm người trong cõi gió mưa,
    Bảy mươi mấy mặt người xưa thấy nào.
    1575
    Chúa xuân còn ở vườn đào,
    Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần.
    Chúa đông ra khỏi vườn xuân,
    Hoa tàn nhụy rữa như rừng bỏ hoang.
    Ở đời ai cậy giàu sang,
    1580
    Ba xuân[19] mòn hết, ngàn vàng khôn mua.
    Hay chi như vãi ở chùa,
    Một căn cửa khép bốn mùa lạnh tanh.
    Linh đinh một chiếc thuyền tình,
    Mười hai bến nước biết mình vào đâu?
    1585
    Ai từng mặc áo không bâu[20],
    Ăn cơm không đũa ăn trầu không cau?
    Nàng sao chẳng nghĩ trước sau,
    Giữ ôm bức tượng bấy lâu thiệt mình".
    Nàng rằng: "Xưa học sử kinh,
    1590
    Làm thân con gái chữ trinh làm đầu.
    Chẳng phen thói nước Trịnh đâu[21],
    Hẹn người tới giữa vườn dâu tự tình".
    Kiệm rằng: "Đã biết sử kinh,
    Sao không soi xét để mình ngồi không.
    1695
    Hồ-dương xưa mới góa chồng,
    Còn mơ nhan sắc Tống công cũng vừa[22].
    Hạ Cơ[23] lớn nhỏ đều ưa,
    Sớm đưa Doãn Phủ, tối ngừa Trần quân.
    Hớn xưa Lữ hậu thanh xuân,
    1600
    Còn vừa Cao tổ mấy đành Dị Ki[24].
    Đường xưa Võ Hậu thiệt gì,
    Di Tôn khi trẻ Tam Tư lúc già[25].
    Cứ trong sách vở nói ra,
    Một đời sung sướng cũng qua một đời.
    1605
    Ai ai cũng ở trong trời,
    Chính chuyên trắc nết[26] chết thời cũng ma.
    Người ta chẳng lấy người ta,
    Người ta đâu lấy những là tượng nhân?
    Cho nên tiếc phận hồng nhan,
    1610
    Học đời Như Ý vẽ chàng Văn Quân[27]".
    Nguyệt Nga biết đứa tiểu nhân,
    Làm thinh toan chước thoát thân cho rồi.
    Bùi ông ngon ngọt trau dồi,
    Muốn nàng cho đặng sánh đôi con mình:
    1615
    "Làm người chấp nhứt[28] sao đành,
    Hễ là lịch sự có kinh có quyền[29].
    Tới đây duyên đã bén duyên,
    Trăng thanh gió mát cắm thuyền đợi ai?
    Nhớ câu: Xuân bất tái lai,
    1620
    Ngày nay hoa nở e mai hoa tàn.
    Làm chi thiệt phận hồng nhan,
    Năm canh gối phụng màn loan lạnh lùng.
    Vọng phu xưa cũng trông chồng,
    Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
    1625
    Thôi thôi khuyên chớ thở ra,
    Vầy[30] cùng con lão một nhà cho xuôi".
    Nguyệt Nga giả dạng mừng vui,
    Thưa rằng: "Người có công nuôi bấy chầy.
    Tôi xin dám gởi lời này,
    1630
    Hãy tua[31] châm chậm sẽ vầy nhơn duyên.
    Tôi xin lạy tạ Vân Tiên,
    Chay đàn bảy bữa cho tuyền thỉ chung".
    Cha con thấy nói mừng lòng,
    Dọn nhà sửa chỗ động phòng cho xuê.
    1635
    Chiếu hoa gối sách bộn bề,
    Cỗ đồ bát bửu chỉnh tề chưng ra[32].
    Xảy vừa tới lúc canh ba,
    Nguyệt Nga lấy bút đề và câu thơ.
    Dán trong vách phấn một tờ,
    1640
    Vai mang bức tượng kịp giờ ra đi.
    Hai bên bờ bụi rậm rì,
    Đêm khuya vắng vẻ gặp khi trăng lờ.
    Lạ chừng đường sá bơ vơ,
    Có bầy đôm đốm sáng nhờ đi theo.
    1645
    Qua truông rồi lại lên đèo,
    Dế kêu giắng giỏi sương gieo lạnh lùng.
    Giày sành đạp sỏi[33] thẳng xông,
    Vừa may trời đã vừng đông lố đầu.
    Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu,
    1650
    Tìm nơi bàn thạch ngỏ hầu nghỉ chưn.
    Người ngay trời phật cũng vưng,
    Lão bà chống gậy trong rừng bước ra.
    Hỏi rằng: "Nàng phải Nguyệt Nga,
    Khá tua[34] gắng gượng về nhà cùng ta.
    1655
    Khi khuya nằm thấy Phật bà,
    Người đà mách bảo nên già tới đây".
    Nguyệt Nga bán tín bán nghi,
    Đành liều nhắm mắt theo đi về nhà.
    Bước vào thấy những đàn bà,
    1660
    Làm nghề bô vải lụa là mà thôi.
    Nguyệt Nga đành dạ ở rồi,
    Từ đây mới biết nổi trôi chốn nào.
    Hỏi thăm ra chốn Ô-sào,
    Quan san mấy dặm đi vào tới nơi[35]!




    Chú thích cuối trang[sửa]
    •  Chăn dân: trị dân, cho dân yên ổn làm ăn
    •  Nhẫn nay: đến nay, tới bây giờ
    •  Tơ điều: tơ đỏ xe duyên
    •  Nguyệt Nga chưa nên nghĩa vợ chồng với Vân Tiên, cũng như Chức nữ, Ngưu lang chưa kịp gặp nhau trên sông Ngân mà nhịp cầu Ô đã rơi mất, không bao giờ gặp lại được nữa
    •  Phù du: con vờ
    •  Công phu lỡ làng: bỏ sức ra làm dang dở
    •  Đồng tịch đồng sàng: cùng giường cùng chiếu
    •  Vùa hương bát nước: bát hương và chén nước thờ
    •  Vừa đưa chồng về lại bên kia sông Ngân, thì đã lại đến Cầu Lam rước người tình khác. Ý nói mất chồng này tìm chồng khác
    •  Mai chước: người làm mối
    •  Ô Qua: tên ngầm chỉ giặc Qua Oa ở bể vào cướp phá miền Châu Đốc, Hà Tiên
    •  Chiêu Quân thời Hán Nguyên Đế bị tuyển làm cung nữ. Nàng không chịu đút lót cho Mao Diên Thọ nên bị y vẽ xấu đi, vua không vời đến. Về sau bị chọn tiến vua Hung Nô
    •  Hạnh Ngươn: nhân vật truyện Nhị độ mai
    •  Sao sao: dù thế nào đi nữa
    •  Thân danh: thân mình và danh dự
    •  E rằng người che chở và nuôi nấng mình có mưu toan gì?
    •  Dần lân: lân la dần dần
    •  Chánh tiết: trinh tiết, ngay thẳng
    •  Ba xuân: ba tháng xuân, tuổi xuân
    •  Bâu: cổ áo
    •  Chẳng phen: chẳng bắt chước. Thói nước Trịnh: thói tà dâm như trai gái nước Trịnh trèo tường đón ngõ rủ rê nhau ra nơi đồng nội để thỏa lòng dục
    •  Công chúa Hồ Dương chồng chết, phải lòng Tống Hoằng
    •  Hạ Cơ: con gái Trịnh Mục Công, xinh đẹp, lẳng lơ, có chồng mà vẫn một lúc ngoại tình với nhiều người
    •  Lữ Hậu: vợ Hán Cao Tổ. Cao Tổ mất, Lữ Hậu tư thông với Dị Ki (Thẩm Tự Cơ) cho Tự Cơ làm tả thừa tướng để tiện bề chung chạ
    •  Võ Hậu thông tình với hai anh em Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi (tức Di Tôn, Tam Tư)
    •  Chính chuyên: một bề tiết hạnh. Trắc nết: mất hết
    •  Nàng Như Ý sau khi cứu Văn Quân thoát nạn, đem lòng yêu chàng, vẽ hình chàng. Sau hai người lấy nhau (tuồng cổ)
    •  Chấp nhứt: câu nệ về một lẽ
    •  Hễ là người trải đời thì phải biết cả chấp kinh (tuân thủ nguyên tắc) lẫn tòng quyền (vượt ngoài nguyên tắc)
    •  Vầy: sum họp
    •  Tua: nên phải
    •  Gối sách: gối gấp nhiều lớp, có thể chồng lên nhau mà ngồi dựa. Bát bửu: tám vật quý là gươm, giáo, búa... bằng đồng hay bạc để bày cho thêm sang trọng
    •  Giầy xéo lên sành, đạp lên sỏi
    •  Khá tua: phải nên
    •  Nguyệt Nga đã trôi dạt tới chốn cửa ải và núi non, xa xôi cách trở
  2. #5
    quanltv's Avatar
    quanltv đang offSư phụ của ADMIN
    Level: 10.127
    Ðến Từ
    Hà Nội
    Thành Viên Thứ: 146858
    Giới tính: Nam
    Bài gửi
    6.764

    Reply: Đọc truyện Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu bản Quốc Ngữ 2082 câu Full 

    Đoạn này tới thứ ra đời[1],
    Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền.
    Nửa đêm nằm thấy ông tiên,
    Đem cho chén thuốc mắt liền sáng ra.
    Kể từ nhuốm bịnh đường xa,
    1670
    Tháng ngày thấm thoát kể đà sáu năm.
    Tuổi cha rày đã năm lăm,
    Chạnh lòng nhớ tới đầm đầm lụy sa.
    Vân Tiên tính trở lại nhà,
    Hớn Minh đưa khỏi năm ba dặm đường.
    1675
    Tiên rằng: "Ta lại hồi hương,
    Ơn nhau sau gặp khoa trường sẽ hay".
    Minh rằng: "Tôi vốn chẳng may,
    Ngày xưa mắc phải án đày trốn đi.
    Dám đâu bày mặt ra thi,
    1680
    Đã đành hai chữ quy y[2] chùa này".
    Tiên rằng: "Phước gặp khoa này,
    Sao sao cũng tính sum vầy cùng nhau.
    Mấy năm hẩm hút tương rau[3],
    Khó nghèo nỡ phụ sang giàu đâu quên.
    1685
    Lúc hư còn có lúc nên,
    Khuyên người giữ dạ cho bền thảo ngay".
    Hớn Minh trở lại am mây,
    Vân Tiên về một tháng chầy tới nơi.
    Lục ông nước mắt tuôn rơi,
    1690
    Ai dè con sống trên đời thấy cha.
    Xóm giềng cô bác gần xa,
    Đều mừng chạy tới chật nhà hỏi thăm.
    Ông rằng: "Kể đã mấy năm,
    Con mang tật bịnh ăn nằm nơi nao?"
    1695
    Thưa rằng: "Hoạn nạn xiết bao,
    Mẹ tôi phần mộ nơi nào viếng an?"
    Đặt bày lễ vật nghiêm trang,
    Đọc bài văn tế trước bàn minh sinh[4]:
    "Suối vàng hồn mẹ có linh,
    1700
    Chứng cho con trẻ lòng thành ngày nay.
    Tưởng bề nguồn nước cội cây[5],
    Công cao ngàn trượng ngãi dày chín trăng[6].
    Suy trang nằm giá khóc măng[7],
    Hai mươi bốn thảo[8] chẳng bằng người xưa".
    1705
    Vân Tiên nước mắt như mưa,
    Tế rồi hỏi việc khi xưa ở nhà.
    Ông rằng: "Có nàng Nguyệt Nga,
    Bạc tiền đem giúp cửa nhà mới xuê.
    Nhờ nàng nên mới ra bề[9],
    1710
    Chẳng thì khó đói bỏ quê đi rồi".
    Vân Tiên nghe nói hỡi ôi!
    Chạnh lòng nghĩ lại một hồi giây lâu.
    Hỏi rằng: "Nàng ấy ở đâu?
    Đặng con đến đó đáp câu ân tình".
    1715
    Lục ông thuật việc triều đình,
    Đầu đuôi chuyện vãn tỏ tình cùng Tiên.
    "Kiều công rày ở Tây-xuyên,
    Cũng vì mắc nịnh biếm quyền[10] đuổi ra".
    Tiên rằng: "Cám nghĩa Nguyệt Nga
    1720
    Tôi xin qua đó thăm cha nàng cùng".
    Tây-xuyên ngàn dặm thẳng xông,
    Đến nơi ra mắt Kiều công khóc liền:
    "Nguyệt Nga rày ở nước Phiên,
    Biết sao cho đặng đoàn viên cùng chàng.
    1725
    Mấy thu Hồ Việt đôi phang[11],
    Cũng vì máy tạo én nhàn rẽ nhau.
    Thấy chàng dạ lại thêm đau,
    Đất trời bao nỡ chia bâu[12] cho đành?
    Hẹp hòi đặng chút nữ sanh,
    1730
    Trông cho chồi quế trổ nhành mẫu đơn[13]".
    Nói rồi lụy nhỏ đôi cơn,
    "Cũng vì một sự oán hờn nên gây.
    Thôi con ở lại bên này,
    Hôm mai thấy mặt cho khuây lòng già".
    1735
    Vân Tiên từ ấy lân la,
    Ôn nhuần kinh sử chờ khoa ứng kì,
    Năm sau lịnh mở khoa thi,
    Vân Tiên vào tạ xin đi tựu trường.
    Trở về thưa với xuân đường,
    1740
    Kinh sư[14] ngàn dặm một đường thẳng ra.
    Vân Tiên dự trúng khôi khoa[15],
    Đương trong nhâm tý thiệt là năm nay.
    Nhớ lời thầy nói thật hay,
    Bắc phương gặp chuột hẳn rày nên danh.
    1745
    Vân Tiên vào tạ triều đình,
    Lệnh ban y mão hiển vinh về nhà.
    Xảy nghe tin giặc Ô-qua,
    Phủ vây quan ải binh ba bốn ngàn.
    Sở Vương phán trước ngai vàng,
    1750
    Chỉ sai quốc trạng dẹp loàn bầy ong[16].
    Trạng nguyên tâu trước bệ rồng:
    "Xin dâng một tướng anh hùng đề binh[17].
    Có người họ Hớn tên Minh,
    Sức đương Hạng Võ mạnh kình Trương Phi.
    1755
    Ngày xưa mắc án trốn di,
    Phải về nương náu từ bi ẩn mình".
    Sở Vương phán trước triều đình,
    Chỉ sai tha tội Hớn Minh đòi về.
    Sắc phong phó tướng bình di[18],
    1760
    Tiên Minh tương hội[19] xiết gì mừng vui.
    Nhứt thinh phấn phát oai lôi[20],
    Tiên phuông hậu tập[21] trống hồi tấn binh.
    Quan sơn ngàn dặm đăng trình,
    Lãnh cờ bình tặc[22] phá thành Ô-qua.
    1765
    Làm trai ơn nước nợ nhà,
    Thảo cha ngay chúa mới là tài danh.
    Phút đâu binh đáo quan thành[23],
    Ô-qua xem thấy xuất hành cự đang[24].
    Tướng Phiên hai gã đường đường,
    1770
    Một chàng Hỏa Hổ một chàng Thần Long.
    Lại thêm Cốt Đột nguyên nhung,
    Mắt hùm râu đỏ tướng hung lạ lùng.
    Hớn Minh ra sức tiên phong,
    Đánh cùng Hỏa Hổ Thần Long một hồi.
    1775
    Hớn Minh chùy giáng dường lôi[25],
    Hai chàng đều bị một hồi mạng vong.
    Nguyên nhung Cốt Đột nổi xung,
    Hai tay xách búa đánh cùng Hớn Minh.
    Hớn Minh sức chẳng dám kình,
    1780
    Thấy chàng hóa phép thoát mình trở lui.
    Vân Tiên đầu đội kim khôi,
    Tay cầm siêu bạc mình ngồi ngựa ô[26].
    Một mình lướt trận xông vô,
    Thấy người Cốt Đột biến hô yêu tà.
    1785
    Vội vàng trở ngựa lui ra,
    Truyền đem máu chó đều thoa ngọn cờ.
    Ba quân gươm giáo đều dơ,
    Yêu ma xem thấy một giờ vỡ tan.
    Phép tà Cốt Đột hết phang,
    1790
    Phừng phừng nổi giận đánh chàng Vân Tiên.
    Trung tiên tả hữu lưỡng biên,
    Trạng nguyên Cốt Đột đánh liên tối ngày.
    Sa cơ Cốt Đột chạy ngay,
    Vân Tiên giục ngựa kịp rày đuổi theo.
    1795
    Đuổi qua mới đặng bảy đèo,
    Khá thương Cốt Đột vận nghèo nài bao[27].
    Chạy ngang qua núi Ô-sào,
    Phút đâu con ngựa sa hào thương ôi!
    Vân Tiên chém Cốt Đột rồi,
    1800
    Đầu treo cổ ngựa phản hồi bổn quân.
    Ôi thôi bốn phía đều rừng,
    Trời đà tối mịt lạc chừng gần xa.
    Một mình lạc nẻo vào ra,
    Lần theo đường núi phút đà tam canh[28].
    1805
    Một mình trong chốn non xanh,
    Không ai mà hỏi lộ trình trở ra.

    Đoạn này tới thứ Nguyệt Nga,
    Ở đây tính đã hơn ba năm rồi.
    Đêm khuya chong ngọn đèn ngồi,
    1810
    Chẳng hay trong dạ bồi hồi việc chi:
    "Quan-âm thuở trước nói chi,
    Éo le phỉnh thiếp lòng ghi nhớ hoài.
    Đã đành đá nát vàng phai,
    Đà đành xuống chốn dạ đài gặp nhau.
    1815
    Khôn trông mồng bảy đêm thu,
    Khôn trông bầy quạ đội cầu đưa sao[29].
    Phải chi hỏi đặng Nam Tào,
    Đêm nay cho đến đêm nào gặp nhau".
    Nguyệt Nga gượng giải cơn sầu,
    1820
    Xảy nghe lạc ngựa ở đâu tới nhà.
    Kêu rằng: "Ai ở trong nhà,
    Đường về quan ải chỉ ra cho cùng".
    Nguyệt Nga ngồi sợ hãi hùng,
    Vân Tiên xuống ngựa thẳng xông bước vào.
    1825
    Lão bà lật đật hỏi chào:
    "Ở đâu mà tới rừng cao một mình?"
    Vân Tiên mới nói sự tình:
    "Tôi là quốc trạng trào đình sai ra.
    Đem binh dẹp giặc Ô-qua,
    1830
    Lạc đường đến hỏi thăm nhà bà đây".
    Lão bà nghe nói sợ thay:
    "Xin ông chớ chấp tôi nay mụ già".
    Vân Tiên ngồi ngắm Nguyệt Nga,
    Lại xem bức tượng lòng đà sanh nghi.
    1835
    Hỏi rằng: "Bức ấy tượng chi,
    Khen ai khéo vẽ dung nghi giống mình.
    Đầu đuôi chưa rõ sự tình,
    Lão bà khá nói tánh danh cho tường".
    Lão bà chẳng dám lời gian:
    1840
    "Tượng này vốn thiệt chồng nàng ngồi đây".
    Tiên rằng: "Nàng xách lại đây,
    Nói trong tên họ tượng này ta nghe".
    Nguyệt Nga lòng rất kiêng dè,
    Mặt thời giống mặt còn e lạ người.
    1845
    Ngồi che tay áo hổ ngươi,
    Vân Tiên thấy vậy mỉm cười một khi.
    Rằng: "Sao nàng chẳng nói đi,
    Hay là ta hỏi động chi chăng là?"
    Nguyệt Nga khép nép thưa qua:
    1850
    "Người trong bức tượng tên là Vân Tiên.
    Chàng đà về chốn cửu tuyền,
    Thiếp lăm trọn đạo lánh miền gió trăng".
    Vân Tiên nghe nói hỏi phăn:
    "Chồng là tên ấy vợ rằng tên chi?"
    1855
    Nàng bèn tỏ thiệt một khi,
    Vân Tiên vội vã xuống quì vòng tay.
    Thưa rằng: "May gặp nàng đây,
    Xin đền ba lạy sẽ bày nguồn cơn.
    Để lời thệ hải minh sơn[30],
    1860
    Mang ơn trước phải đền ơn cho rồi.
    Vân Tiên vốn thiệt là tôi,
    Gặp nhau nay đã phỉ rồi ước mơ".
    Nguyệt Nga bảng lảng bơ lơ[31],
    Nửa tin rằng bạn nửa ngờ rằng ai.
    1865
    Thưa rằng: "Đã thiệt tên ngài.
    Khúc nôi[32] xin cứ đầu bài phân qua".
    Vân Tiên dẫn tích xưa ra,
    Nguyệt Nga khi ấy khóc òa như mưa
    Ân tình càng kể càng ưa,
    1870
    Mảng còn bịn rịn trời vừa sáng ngay.
    Xảy nghe quân ó vang dầy,
    Bốn bề rừng bụi khắp bày can qua.
    Vân Tiên lên ngựa trở ra,
    Thấy cờ đề chữ hiệu là Hớn Minh.
    1875
    Hớn Minh khi ấy dừng binh,
    Anh em mừng rỡ tỏ tình cùng nhau.
    Minh rằng: "Tẩu tẩu[33] ở đâu,
    Cho em ra mắt chị dâu thể nào?"
    Vân Tiên đem Hớn Minh vào,
    1880
    Nguyệt Nga đứng dậy miệng chào có duyên.
    Minh rằng: "Tưởng chị ở Phiên,
    Quyết đem binh mã sang miền Ô-qua.
    May đâu sum hiệp một nhà,
    Giặc đà an giặc khải ca hồi trào".
    1885
    Tiên rằng: "Nàng tính thể nào?"
    Nàng rằng: "Anh hãy về trào tâu lên.
    Ngỏ nhờ lượng cả bề trên,
    Lịnh tha tội trước mới nên về nhà".
    Trạng nguyên từ giã lão bà,
    1890
    Dặn dò gởi lại Nguyệt Nga ít ngày:
    "Tôi về đem bức tượng này,
    Tâu cho khỏi tội rước ngay về nhà".
    Tiên Minh trở ngựa đều ra,
    Đem binh trở lại trào ca đề huề[34].
    1895
    Sở Vương nghe trạng nguyên về,
    Sai quân tiếp rước vào kề bên ngai.
    Sở Vương bước xuống kim giai,
    Tay bưng chén rượu thưởng tài trạng nguyên.
    Phán rằng: "Trẫm sợ nước Phiên,
    1900
    Có người Cốt Đột phép tiên lạ lùng.
    Nay đà trừ Cốt Đột xong,
    Thiệt trời sanh trạng giúp trong nước nhà.
    Phải chi trước có trạng ra,
    Làm chi nên nỗi Nguyệt Nga cống Hồ".
    1905
    Lệnh truyền mở yến trào đô,
    Rày mừng trừ đặng giặc Ô-qua rồi.
    Trạng nguyên quì tấu một hồi,
    Nguyệt Nga các việc khúc nôi rõ ràng.
    Sở vương nghe tấu ngỡ ngàng,
    1910
    Phán rằng: "Trẫm tưởng rằng nàng ở Phiên.
    Chẳng ngờ nàng với trạng nguyên,
    Cùng nhau trước có nhân duyên thuở đầu".
    Thái sư trước bệ quì tâu:
    "Ô-qua dấy động qua mâu[35] cũng vì
    1915
    Trá hôn oán ấy nên gây,
    Nguyệt Nga nàng thiệt tội thì khi quân".
    Trạng nguyên mặt đỏ phừng phừng,
    Bèn đem bức tượng quì dâng làm bằng.
    Sở vương xem tượng phán rằng:
    1920
    "Nguyệt Nga trinh tiết ví bằng người xưa,
    Thái sư trước chẳng lo lừa,
    Thiếu chi dân thứ phải đưa tới nàng.
    Dầu cho nhựt nguyệt rõ ràng,
    Khôn soi chậu úp[36] cũng mang tiếng đời.
    1925
    Ngay gian sao cũng có trời,
    Việc này vì trẫm nghe lời nên oan".
    Trạng nguyên tâu trước trào đàng:
    "Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.
    Trịnh Hâm là đứa gian tà,
    1930
    Hại tôi buổi trước cũng đà ghê phen[37]".
    Sở Vương phán trước bệ tiền:
    "Những ngờ tướng ngỏ tôi hiền[38] mà thôi.
    Vậy cũng đạo chúa nghĩa tôi,
    Thái sư ý muốn cướp ngôi chín trùng[39].
    1935
    Hớn xưa có gã Đổng công[40],
    Nuôi thằng Lữ Bố cướp dòng nhà Lưu.
    Đời xưa tôi nịnh biết bao,
    Thái sư nay có khác nào người xưa.
    Thấy người trung chánh chẳng ưa,
    1940
    Rắp ranh kế độc lập lừa mưu sâu.
    Trịnh Hâm tội đáng chém đầu,
    Ấy là mới hết người sau gian tà".
    Sở vương phán trước trào ca:
    "Thái sư cách chức về nhà làm dân.
    1945
    Trịnh Hâm là đứa bạo thần,
    Giao cho quốc trạng xử phân pháp hình.
    Nguyệt Nga là gái tiết trinh,
    Sắc phong quận chúa hiển vinh rỡ ràng.
    Kiều công xưa mắc tội oan,
    1950
    Trẫm cho phục chức làm quan Đông-thành.
    Trạng nguyên dẹp giặc đã bình,
    Kiệu vàng tán bạc hiển vinh về nhà".

    Bãi chầu chư tướng trở ra,
    Trạng nguyên mời hết đều qua dinh ngồi.
    1955
    Họ Vương họ Hớn họ Bùi,
    Cùng nhau uống rượu đều vui đều cười.
    Trạng nguyên mới hỏi một lời:
    "Trịnh Hâm tội ấy các người tính sao?"
    Truyền quân dẫn Trịnh Hâm vào,
    1960
    Mặt nhìn khắp hết miệng chào: "Các anh!".
    Minh rằng: "Ai mượn kêu anh?
    Trước đà đem thói chẳng lành thời thôi.
    Kéo ra chém quách cho rồi,
    Để chi gai mắt đứng ngồi căm gan".
    1965
    Trực rằng: "Minh nóng nói ngang,
    Giết ruồi ai dụng gươm vàng làm chi.
    Xưa nay mấy đứa vô nghì,
    Dầu cho có sống làm gì nên thân?"
    Hâm rằng: "Nhờ lượng cố nhân,
    1970
    Vốn em mới dại một lần xin dung".
    Trạng rằng: "Hễ đấng anh hùng,
    Nào ai có giết đứa cùng làm chi.
    Thôi thôi ta cũng rộng suy,
    Truyền quân mở trói đuổi đi cho rồi".
    1975
    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chơn lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.
    Hớn Minh Tử Trực vào tâu,
    1980
    Xin đưa quốc trạng kịp chầu vinh qui.
    Một người Bùi Kiệm chẳng đi,
    Trong lòng hổ thẹn cũng vì máu dê.
    Trạng nguyên xe giá chỉnh tề,
    Sai quân hộ vệ rước về Nguyệt Nga.
    1985
    Bạc vàng đem tạ lão bà,
    Nguyệt Nga từ tạ thẳng qua Đông-thành.
    Võng điều gươm bạc lọng xanh,
    Trạng nguyên Tử Trực Hớn Minh lên đàng.
    Trịnh Hâm về tới Hàn-giang,
    1990
    Sóng thần nổi dậy thuyền chàng chìm ngay.
    Trịnh Hâm bị cá nuốt rày,
    Thiệt trời báo ứng lẽ này rất ưng.
    Thấy vầy nên dửng dừng dưng[41],
    Làm người ai nấy thì đừng bất nhân.
    1995
    Tiểu đồng trước giữ mộ phần.
    Ngày qua tháng lại đã gần ba năm.
    Của đi khuyên giáo mấy năm,
    Tính đem hài cốt về thăm quê nhà.
    Hiềm chưa thuê đặng người ta,
    2000
    Còn đương thơ thẩn vào ra Đại-đề.
    Trạng nguyên khi ấy đi về,
    Truyền quân bày tiệc lo bề tế riêng:
    "Tiểu đồng hồn bậu có thiêng,
    Thỏa tình thầy tớ lòng thiềng ngày nay?"
    2005
    Đọc văn nhớ tới châu mày,
    Đôi hàng lụy ngọc tuôn ngay ròng ròng.
    Người ngay trời phật động lòng,
    Phút đâu ngó thấy tiểu đồng đến coi.
    Trạng nguyên còn hãy sụt sùi,
    2010
    Ngó lên bài vị[42] lại xui lòng phiền.
    Tiểu đồng nhắm ngửa nhìn nghiêng:
    "Ông này sao giống Vân Tiên cũng kì?
    Ông nào mất xuống âm ti,
    Ông nào còn sống nay thì làm quan?"
    2015
    Trạng nguyên khi ấy hỏi chàng:
    "Phải người đồng tử mắc nàn chốn ni?"
    Mấy năm tớ mới gặp thầy,
    Cùng nhau kể nỗi đắng cay từ ngằn[43].
    Ai dè còn thấy bổn quan[44],
    2020
    Ba năm gìn giữ mồ hoang đã rồi.
    Trạng nguyên khi ấy mừng vui,
    Tớ thầy sum hiệp tại nơi Đại-đề.
    Đoạn thôi xe giá ra về,
    Tuần dư[45] phút đã gần kề Hàn-giang.
    2025
    Võ công từ xuống suối vàng,
    Thể Loan cùng mụ Quỳnh Trang đeo sầu.
    Mẹ con những mảng lo âu;
    "Nghe Vân Tiên sống gặp chầu công danh.
    Cùng ta xưa có ân tình,
    2030
    Phải ra đón rước lộ trình họa may".
    Loan rằng: "Mình ở chẳng hay,
    E người còn nhớ những ngày trong hang".
    Trang rằng: "Con có hồng nhan,
    Cho chàng thấy mặt thời chàng ắt ưa.
    2035
    Dầu người còn nhớ tích xưa,
    Mẹ con ta lại đổ thừa Võ công".
    Cùng nhau bàn luận đã xong,
    Soi gương đánh phấn ra phòng[46] rước duyên.
    Nay đà tới thứ trạng nguyên,
    2040
    Hàn-giang đã tới bỗng liền đóng quân.
    Bạc vàng châu báu áo quần,
    Trạng nguyên đem tạ đáp ân ngư tiều,
    Ngư tiều nay đặng danh biêu[47],
    Ơn ra một buổi của nhiều trăm xe.
    2045
    Trạng nguyên chưa kịp trở về,
    Thấy Quỳnh Trang đã đứng kề trong quân.
    Trang rằng: "Tưởng chữ hôn nhân,
    Mẹ con tôi đến lễ mừng trạng nguyên.
    Võ công đã xuống huỳnh tuyền,
    2050
    Xin thương lấy chút thuyền quyên phận này".
    Trạng rằng: "Bưng bát nước đầy.
    Đổ ngay xuống đất hốt rày sao xong.
    Oan gia nợ ấy trả xong,
    Thiếu chi nên nỗi mà mong tới đòi[48]".
    2055
    Hớn Minh Tử Trực đứng coi,
    Cười rằng: "Hoa khéo làm mồi trêu ong.
    Khen cho lòng chẳng thẹn lòng,
    Còn mang mặt đến đèo bòng nỗi chi?
    Ca ca sao chẳng chịu đi[49],
    2060
    Về cho tẩu tẩu để khi xách giày".
    Mẹ con đứng thẹn thùng thay,
    Vội vàng cúi lạy chơn rày trở ra.
    Trở về chưa kịp tới nhà,
    Thấy hai con cọp chạy ra đón đàng.
    2065
    Thảy đều bắt mẹ con nàng,
    Đem vào lại bỏ trong hang Thương-tòng.
    Bốn bề đá lấp bịt bùng,
    Mẹ con than khóc khôn trông ra rồi.
    Trời kia quả báo mấy hồi,
    2070
    Tiếc công son điểm phấn dồi bấy lâu.
    Làm người cho biết ngãi sâu,
    Gặp cơn hoạn nạn cùng nhau cho tròn.
    Đừng đừng theo thói mẹ con,
    Thác đà mất kiếp tiếng còn bia danh.

    ** *

    2075
    Trạng nguyên về tới Đông-thành
    Lục ông trước đã xây dinh ở làng.
    Bày ra sáu lễ[50] sẵn sàng,
    Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga.
    Sui gia đã xứng sui gia,
    2080
    Rày mừng hai họ một nhà thành thân.
    Trăm năm biết mấy tinh thần,
    Sanh con sau nối gót lân[51] đời đời.




    Chú thích cuối trang[sửa]
    •  Ra đời: ra hoạt động, giúp đời
    •  Quy y: đi tu
    •  Hẩm hút tương rau: cảnh nghèo
    •  Minh sinh: mảnh lụa, vải hay giấy dài ghi tên họ, chức tước người chết để cúng
    •  Người ta có tổ tiên cha mẹ như nước có nguồn cây có gốc
    •  Chín trăng: chín tháng (mẹ mang thai con chín tháng)
    •  Nằm giá: nằm trên băng giá. Sổ Liêu xưa nằm trên băng để băng tan, bắt được cá chép về cho mẹ ăn chữa bệnh. Khóc măng: Mạnh Tông thương mẹ vốn thích ăn măng. Mùa đông ông vào rừng kiếm măng không được, ôm trúc mà khóc, tự nhiên măng mọc
    •  Nhị thập tứ hiếu: 24 gương hiếu xưa
    •  Ra bề: ra bề thế
    •  Biếm quyền: giáng chức quan
    •  Hồ phương Bắc, Việt phương Nam
    •  Chia bâu: chia li
    •  Kiều công mong cho Nguyệt Nga sẽ thành gia thất và sinh được con hay
    •  Kinh sư: kinh đô
    •  Khôi khoa: đỗ đầu (trạng nguyên)
    •  Chỉ: lệnh vua. Quốc trạng: trạng nguyên của cả nước. Dẹp loàn: dẹp loạn
    •  Đề binh: đem binh đi đánh giặc
    •  Bình di: dẹp giặc
    •  Tương hội: cùng hội họp với nhau
    •  Một tiếng truyền lệnh, oai hùng như sấm làm mọi người phấn khởi
    •  Tiên phong: quân xông trận mặt trước. Hậu tập: quân đánh bọc mặt sau
    •  Bình tặc: dẹp yên giặc
    •  Binh đáo quan thành: quân đến trước cửa thành
    •  Ra quân, chống trả
    •  Dường lôi: như sấm sét đánh
    •  Siêu: binh khí có lưỡi dài. Ngựa ô: ngựa lông đen
    •  Không quản hiểm nghèo
    •  Tam canh: canh ba
    •  Nguyệt Nga không mong gặp được Vân Tiên như Chức Nữ gặp Ngưu Lang
    •  Thề bể hẹn non, bền chặt
    •  Bảng lảng bơ lơ: kinh ngạc ngẩn người
    •  Khúc nôi: nỗi niềm, sự tình
    •  Tẩu tẩu: chị dâu
    •  Triều ca: buổi thiết triều. Đề huề: dắt tay nhau cùng đi
    •  Qua mâu: binh khí thời xưa
    •  Chậu úp: nói nơi tối tăm, ánh sáng không lọt tới, trong ngoài không thông nhau, ví nỗi oan không cách giải tỏ
    •  Ghê phen: nhiều phen
    •  Tướng ngỏ tôi hiền: khanh tướng và bầy tôi hiền
    •  Chín trùng: vua
    •  Đổng công: tức Đổng Trác
    •  Ý nói thản nhiên như không
    •  Bài vị: miếng gỗ hay mảnh giấy cứng, mặt có ghi tên người chết để thờ
    •  Các thứ lớp từ trước đến nay
    •  Chỉ Vân Tiên
    •  Tuần dư: hơn mười ngày
    •  Phòng: hóng chờ
    •  Biêu: nêu lên cho mọi người biết
    •  Ý câu: Vân Tiên bị xem là kẻ oán thù với nhà Thể Loan, thì Vân Tiên đã bị nhà Thể Loan hãm hại, tức là Vân Tiên trả xong nợ rồi
    •  Ca ca: anh. Chịu đi: ưng thuận đi
    •  Sáu lễ: sáu lễ trong việc cưới hỏi thời xưa
    •  Gót lân: chỉ con cháu có tài đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét