Những người khốn khổ - PHẦN I - Quyển V - Chương 10 - 11

X
HẬU QUẢ CỦA THÀNH CÔNG
Phăngtin bị đuổi ra khỏi xưởng vào một ngày cuối đông. Từ độ ấy, một mùa hè đã qua, rồi mùa đông lại trở về. Ngày ngắn, chị làm việc được ít. Mùa đông không có hơi ấm, không có ánh sáng, không có canh trưa, buổi chiều và buổi sáng liền nhau, lúc nào cũng có sương mù, lúc nào cũng như hoàng hôn, cửa kính mờ xám, không trông rõ ra ngoài nữa. Cả bầu trời như một cái cửa thông hơi dưới hầm, cả ngày bưng bít như trong một cái hũ. Mặt trời trông thiểu não như một người nghèo. Cái mùa ghê gớm! Nó biến nước trời và lòng người thành đá. Bọn chủ nợ giày vò Phăngtin.
Tiền chị kiếm ra quá ít ỏi. Nợ càng ngày càng nhiều. Thấy tiền gửi thất thường, vợ chồng Tênácđiê luôn luôn viết thư thôi thúc. Lời thư làm cho chị khổ tâm, bưu phí làm cho chị cạn túi. Một lần, chúng viết thư nói rằng trời rét thế mà con Côdét của chị trần truồng rách rưới; cần sắm cho nó một cái váy len, vậy phải gửi ngay cho chúng mười phơrăng. Phăngtin nhận thư, cả ngày cầm trong tay đến nhàu nát. Buổi chiều chị đến một hiệu cắt tóc ở phố. Chị bỏ lược, mớ tóc vàng óng ả đổ xuống đến ngang lưng. Người thợ cạo trầm trồ:

- Ôi! Tóc đẹp quá!
Phăngtin hỏi:
- Ông trả tôi bao nhiêu?
- Mười phơrăng.
- Ông cắt đi.
Chị mua một cái váy len gửi cho vợ chồng Tênácđiê. Nhận được váy, vợ chồng chúng tức điên ruột. Chúng muốn Phăngtin đưa tiền kia. Chúng đem váy mặc cho Êpônin, con Sơn ca đáng thương thì vẫn rét run cầm cập.
Phăngtin nghĩ: “Con ta không rét nữa. Ta đã lấy tóc ta dệt cho con mặc rồi”. Chị đội mũ chụp nhỏ để giấu cái đầu trụi tóc, tuy thế vẫn còn xinh.
Lòng người đàn bà ấy đang chịu những giày vò đen tối. Khi chị thấy không chải chuốt được nữa, chị đâm thù ghét tất cả. Cả đến ông Mađơlen mà chị cũng như tất cả mọi người, vẫn kính phục xưa kia, chị cũng phát ghét, ghét cay đắng, ghét hơn ai hết, vì chị đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần rằng ông đã đuổi chị, làm cho chị khốn khổ đến thế. Những khi đi qua xưởng cũ có thợ thuyền đứng trông, chị vờ cười và hát to lên.
Một bà thợ già một hôm trông thấy chị cười và hát như thế, bảo: “Cái chị này rồi cũng chả ra gì”.
Phăngtin lòng đầy uất hận, bắt nhân tình bừa với một người, chẳng cân nhắc gì, người đầu tiên mà chị gặp, một người mà chị không yêu, như muốn trêu tức mọi người vậy: người ấy là một thằng khốn nạn, một tên gảy đàn hành khất, một đứa vô nghề nghiệp nghèo khốn. Hắn đánh đập chị rồi chán chị, bỏ chị dễ dàng cũng như khi chị bắt nhân tình với hắn. Phăngtin vẫn yêu quý đứa con hết sức. Chị càng sa đọa, cuộc đời chị càng đen tối, thì hình ảnh đứa con thơ ngây yêu dấu lại càng sáng chói trong tâm hồn chị. Chị tự bảo: “Bao giờ ta giàu, thì ta sẽ đón Côdét của ta về với ta”, và chị cười sung sướng. Chứng ho cũ của chị vẫn không khỏi, lưng lại thường toát mồ hôi lạnh.
Một hôm, chị nhận được một bức thư của vợ chồng Tênácđiê như sau: “Côdét mắc một chứng bệnh đang phát triển ở địa phương, người ta gọi là bệnh sốt ban. Cần nhiều thứ thuốc đắt tiền để chữa, chúng tôi chạy chữa đến sạt nghiệp, bây giờ thì chúng tôi không còn tiền nữa. Trong vòng tám ngày, nếu chị không gửi cho bốn mươi phơrăng thì coi như con bé đi đứt”. Phăngtin cười rộ lên như điên và nói với bà láng giềng:
- A, họ quý hóa thật! Bốn mươi phơrăng, có thế thôi! Nghĩa là hai đồng vàng! Đào đâu ra? Họ thật ngớ ngẩn, những người nhà quê ấy họ ngớ ngẩn thật!
Nhưng rồi chị lại đi ra phía cầu thang, ghé cửa sổ đọc lại bức thư. Và chị xuống thang gác, chạy ra phố, vừa chạy vừa nhảy vừa cười khanh khách.
Có người gặp chị hỏi:
- Có gì mà chị vui sướng thế hở?
Chị trả lời:
- Ở nhà quê họ vừa viết thư cho tôi. Thật là ngu ngốc. Họ đòi tôi gửi bốn mươi phơrăng. Nhà quê thật!
Khi đi qua quảng trường, chị thấy có đám đông xúm quanh một chiếc xe kiểu rất lạ. Trên sàn xe có một người đàn ông mặc áo đỏ đang nói huyên thuyên. Đó là một anh chàng nhổ răng dạo, đang giới thiệu với mọi người những hàm răng giả trọn vẹn, những ống thuốc đánh răng, những “nha thống thủy”, “nha thống tán”.
Phăngtin len vào đám đông và cũng cười như mọi người. Bài diễn thuyết của tên nhổ răng dạo đầy những tiếng lóng dành cho bọn vô lại và những chữ khó hiểu để cho khách tử tế. Thấy Phăngtin cười, hắn bỗng kêu lên:
- Cái chị đang cười kia, răng chị đẹp quá! Nếu chị bán cho tôi hai cái bàn cuốc của chị thì tôi trả cho chị mỗi cái một đồng vàng.
Phăngtin hỏi:
- Hai cái bàn cuốc của tôi là cái gì?
- Hai cái bàn cuốc là hai cái răng cửa hàm trên ấy - anh nhổ răng nói.
Phăngtin kêu:
- Nói gì mà nghe ghê rợn thế!
Một mụ già móm đứng cạnh nói lẩm bẩm:
- Hai đồng vàng cơ à! Thật là sướng nhé!
Phăngtin bịt tai chạy trốn để khỏi nghe giọng nói khàn khàn của anh chàng ấy đuổi theo:
- Nghĩ kỹ đi chị ơi! Hai đồng vàng được khối việc đấy. Nếu vừa ý, tối nay đến tìm tôi ở quán Tilắc nhớ.
Phăngtin về đến nhà, còn lẩm bẩm tức giận. Chị kể chuyện lại cho bà Mácgơrít:
- Bà thử nghĩ xem có nghe được không? Sao lại có thằng cha đáng ghét thế! Sao người ta lại để cho những đứa như vậy đi dạo khắp nơi? Bẻ hai cái răng cửa của tôi à? Thế rồi mặt mũi của tôi sẽ ghê gớm như thế nào? Tóc còn mọc lại chứ răng thì bao giờ! Gớm cái đồ yêu quái! Thà tôi đâm đầu từ tầng gác thứ năm xuống vỉa hè còn hơn. Hắn bảo tôi là tối nay hắn ở quán Tilắc.
Bà Mácgơrít hỏi:
- Thế hắn trả bao nhiêu?
- Hai đồng vàng.
- Thế là bốn mươi phơrăng.
- Vâng, thế là bốn mươi phơrăng - Phăngtin nhắc lại.
Chị yên lặng, trầm ngâm rồi giở việc ra làm. Mười lăm phút sau, chị bỏ đồ khâu đấy và chạy ra cầu thang đọc lại cái thư Tênácđiê. Khi trở vào, chị hỏi bà Mácgơrít ngồi khâu bên cạnh:
- Bà nhỉ, sốt phát ban là gì nhỉ, bà có biết không?
- Có, đó là một thứ bệnh.
- Chữa bệnh này cần nhiều thuốc lắm phải không?
- Ồ, những thứ thuốc ghê gớm lắm!
- Bệnh ấy đau ở đâu nhỉ?
- Nó đau như thế đấy.
- Trẻ con hay mắc, phải không?
- Nhất là trẻ con, dễ mắc lắm.
- Có chết được không hở bà.
- Chết lắm chứ lị.
Phăngtin lại đi ra để đọc bức thư một lần nữa ở cầu thang.
Đến tối, nàng ra phố và người ta thấy nàng đi về phía phố Pari là phố các quán cơm.
Hôm sau, trời chưa sáng, khi bà Mácgơrít sang phòng Phăngtin để cũng ngồi khâu chung một ngọn nến thì bà ta thấy Phăngtin ngồi trên giường, mặt tái nhợt, lạnh lẽo, ghê rợn. Nàng không ngủ. Chiếc mũ chụp rơi xuống đầu gối, ngọn nến cháy cả đêm sắp tàn.
Trước cảnh tượng bất thường ấy, bà Mácgơrít kinh ngạc đứng sững ở ngưỡng cửa như một pho tượng gỗ. Bà kêu:
- Lạy Chúa! Cây nến cháy hết cả như thế kia! Có tai biến gì xảy ra, hở chị Phăngtin?
Rồi bà nhìn Phăngtin đang quay cái đầu trọc lốc về phía bà.
Mới một hôm mà Phăngtin đã già đi đến mười tuổi.
- Lạy Chúa! Chị Phăngtin, chị làm sao vậy?
- Có gì đâu. Tôi vui thì có. Con tôi sẽ không chết về cái bệnh ác nghiệt ấy vì có thuốc rồi. Tôi rất hài lòng.
Phăngtin nói thế và chỉ cho bà Mácgơrít hai đồng tiền vàng chói ngời trên mặt bàn.
- Ôi Chúa ơi! Cả một cái gia sản như thế! Chị làm gì mà có được những đồng tiền vàng ấy?
- Có đấy ạ?
Phăngtin trả lời thế thôi và cười. Ngọn nến chiếu rõ mặt chị. Nụ cười rớm máu. Một ít nước dãi đỏ dính ở hai mép và ở miệng chị có một lỗ hổng đen! Hai cái răng đã bẻ đi rồi.
Phăngtin gửi bốn mươi phơrăng ấy cho Tênácđiê. Thật ra thì vợ chồng Tênácđiê đã đánh lừa nàng để lấy tiền, Côdétkhông ốm.
Phăngtin ném gương qua cửa sổ. Từ lâu nàng không ở cái phòng ở tầng hai nữa mà lên ở trên gác xép sát mái nhà, chỉ cài bằng một cái then con, một cái xó mà gác mái chếch lên mặt sàn, ra vào đụng đầu. Kẻ nghèo khổ chui vào buồng mình ở cũng như đi sâu vào số mệnh, càng vào càng phải cúi rạp lưng xuống. Phăngtin không có giường nữa, nàng chỉ có một mảnh giẻ rách gọi là chăn, một cái đệm vứt xuống sàn và một chiếc ghế nát. Cây hồng con nàng vẫn trông đã chết khô trong một góc buồng. Trong góc khác có một cái cóng đựng bơ hay dùng đựng nước: mùa rét nước đông lại, mỗi lần như thế, mặt nước để lại một vành băng trong lòng cóng. Phăngtin đã không cần biết xấu hổ là gì, đến nay nàng cũng không thiết làm dáng nữa. Đến thế là hết. Nàng đội những cái mũ chụp bẩn đi ra phố. Vì bận hay vì chán chường, nàng để mặc cho quần áo rách nát, không vá víu nữa. Khi gót bít tất thủng, nàng gấp vào trong giày làm cho bít tất có những nếp dăn dọc. Nàng đụp cái coóc xê cũ nát bằng những mụn vải bở, hễ cựa một cái là toạc ra. Chủ nợ luôn mè nheo, không để cho nàng yên lúc nào. Ở ngoài đường cũng thấy họ, về nhà cứ đến cầu thang lại đã thấy họ. Đêm nào nàng cũng nghĩ ngợi và khóc lóc. Mắt nàng sáng quắc lên; nàng luôn luôn đau nhói ở phía trên bả vai bên trái. Nàng ho nhiều. Nàng thù ông Mađơlen lắm, nhưng nàng không than thở. Nàng khâu mười bảy giờ một ngày. Nhưng một tên chủ thầu nhà pha lãnh thuê tù phụ nữ khâu giá rẻ, nên công khâu thuê ở ngoài cũng bị hạ xuống, chỉ được chín xu một ngày. Làm việc mười bảy giờ mà chỉ được chín xu! Bọn chủ nợ lại càng nghiệt ngã hơn bao giờ hết. Người bán đồ cũ của nàng đã bắt lại gần hết đồ đạc, thế mà lúc nào hắn cũng hỏi nàng: “Cái quân này lúc nào mày trả nợ tao?” Người ta còn muốn gì nữa, hở trời! Nàng thấy mình như một con vật bị người ta săn bắt và đương hóa nên hung tợn vì bị đuổi cùng đường. Cũng lúc ấy, nhà Tênácđiê viết thư bảo nàng là chúng đã kiên nhẫn lắm rồi, đã tốt hết sức rồi, phải gửi ngay cho chúng một trăm phơrăng. Gửi ngay, nếu không chúng sẽ tống cổ Côdét ra cửa mặc cho rét mướt, mặc cho lang thang, mặc cho vừa thoát khỏi cái bệnh ghê gớm, mặc cho đứa bé muốn ra sao thì ra, có phải chết đường chết chợ cũng đành.
Phăngtin tự bảo: “Một trăm phơrăng! Tìm đâu ra một việc làm công nhật năm phơrăng? - Thôi! Đành bán nốt vậy.”
Thế là người đàn bà xấu số ấy đi làm gái điếm.
XI
CHÚA GIẢI THOÁT CHÚNG TA
(Nguyên văn La tinh: Chritus nos liboravit)
Chuyện của Phăngtin là chuyện gì vậy? Chuyện xã hội mua một người nô lệ.
Mua của ai? Của cùng khổ.
Của đói khát, của rét mướt, của cô đơn, của hắt hủi, của trơ trụi. Cảnh mua bán quá thương tâm: một mẩu bánh đánh đổi một linh hồn. Cùng khổ đem bán, xã hội nhận mua. Luật Chúa thiêng liêng điều khiển văn minh thế giới, nhưng luật Chúa chưa đi sâu vào văn minh. Người bảo việc mãi nô không còn ở châu Âu. Nói thế là lầm. Nó vẫn tồn tại, nhưng nó chỉ làm khổ người phụ nữ. Đó là chế độ mãi dâm.
Nó đè nặng lên người phụ nữ tức là đè nặng lên duyên dáng, yếu hèn, sắc đẹp, tình mẹ. Đó là một điều nhục nhã lớn cho bọn đàn ông.
Đến bước đường bi đát ấy, Phăngtin chẳng còn gì là cô Phăngtin ngày xưa nữa. Trở thành bùn dơ, nàng cũng hóa ra đá lạnh. Ai chạm phải nàng cũng cảm thấy buốt tay. Nàng là kẻ qua đường, chịu đựng anh và không biết anh là ai. Nàng ô uế, nhưng mà nghiêm nghị. Nàng đã đoạn tuyệt với cuộc đời, với xã hội. Cái gì có thể xảy đến cũng đã xảy đến với nàng rồi. Nàng đã nhận tất chịu tất, thử thách tất, đau khổ tất, mất tất, khóc thương tất. Bây giờ thì nàng cam chịu với dáng lạnh lùng, cũng như cái chết có dáng một giấc ngủ. Nàng không lẩn tránh cái gì nữa cả. Nàng không kiêng sợ cái gì nữa cả. Mưa rào cứ tuôn xuống người nàng đi, biển cả cứ giội lên người nàng! Sá gì! Nàng đã là một tấm giẻ đẫm nước.
Ấy là nàng tưởng thế. Nhưng thật là sai lầm khi tưởng tượng rằng mình dốc cạn hết đắng cay của vận mệnh và đạt tới được chỗ tận cũng của bất kỳ một cảnh huống nào.
Hỡi ơi! Những vận mệnh bị xô dồn như thế là thế nào nhỉ? Họ bị đẩy đi đâu? Vì sao lại thế?
Ai biết điều ấy tức là rõ cái tối tăm huyền bí.
Chỉ có một kẻ biết. Đó là Chúa.
XII
GÃ BAMATABOA VÔ CÔNG RỒI NGHỀ
Ở tỉnh nhỏ, nhất là ở Môngtơrơi, có một hạng thanh niên mỗi năm gặm nhấm một ngàn rưỡi phơrăng lợi tức cùng một kiểu cách như các cậu công tử ở Pari tiêu hai mươi vạn phơrăng. Đó là một hạng người vô nghĩa: không sinh lực, ăn bám, vô dụng, có chút ít ruộng đất và nhiều cái dại dột cộng với một ít thông minh. Vào các phòng khách lịch sự thì họ là người cục súc, mà ở quán rượu thì họ tự cho là quý tộc. Mở miệng thì nào là “đồng cỏ của tôi” nào là “rừng của tôi, điền tốt nhà tôi”. Họ huýt còi các cô đào trong rạp để lên mặt ta là người thông thạo, họ gây gổ với sĩ quan để tỏ rằng mình cũng là khách kiếm mã. Họ cũng đi săn, hút thuốc lá, ngáp vặt, uống rượu, đánh bi a, đứng xem người ta lên xuống xe, la cà chốn cao lâu tửu điếm. Họ có một con chó để gặm xương dưới bàn và một cô nhân tình để dọn cơm lên bàn cùng ăn. Họ tính toán chi li từng xu, họ học đòi theo thời trang không phải lối, họ có những kiểu cách thị thành rởm. Cứ thế họ sống già đời ngu độn, không lao động, chẳng ích gì cho đời mà cũng chẳng hại bao nhiêu.
Phêlit Tôlômiet mà chỉ ở tỉnh nhà, chẳng biết Pari là gì cả, thì sẽ có một kiểu người như thế.
Nếu họ giàu có hơn nữa thì người ta cho họ là kẻ sang trọng, mà nghèo kiết hơn nữa thì là đứa ăn hại. Thật ra họ chỉ là một bọn vô công rồi nghề. Trong đám, có kẻ bặng nhặng, có kẻ chán chường có kẻ vẩn vơ và có kẻ lố bịch.
Thời ấy, bộ cánh của một gã sang trọng là một cái cổ áo, một cái cà vạt to, một chiếc đồng hồ có dây lủng lẳng đồ chơi, ba cái gi lê mặc chồng lên nhau, mỗi cái một màu, cái xanh trong cùng rồi đến cái đỏ, một cái áo màu ô liu thân ngắn, đuôi xòe, đính hai hàng cúc bạc dày sít nhau, chạy lên tận vai, một cái quần cũng màu ô liu nhưng nhạt hơn, đường may ở hai ống thêm những ngấn thêu cho đẹp, từ một đến mười một nhấn một bên, chứ không bao giờ quá và luôn luôn là số lẻ. Thêm vào đó còn có đôi giày cao cổ gắn cá sắt ở gót, cái mũ cao, hẹp vành, mớ tóc bờm xờm, cây ba toong to tướng và những câu bông lơn, bông phèng luôn luôn trên cửa miệng. Đặc biệt hơn cả là bộ cựa giày và bộ râu trên mép. Bấy giờ râu mép là dấu hiệu tư sản thị dân, còn cựa sắt có nghĩa là người đi bộ.[63]
[63] Cựa sắt tra vào gót giày những người cưỡi ngựa, để thúc ngựa
Gã sang trọng tỉnh lẻ dùng cựa càng dài và tỉa bộ ria càng dữ.
Bấy giờ các nước cộng hòa Nam Mỹ đang chống lại ách thống trị của vua Tây Ban Nha. Bôiliva đang lãnh đạo quân cách mạng chống lại Môridô, tướng của nhà vua. Nhân đó, mũ hẹp vành là bảo hoàng và có tên là Môridô, còn những người phái tự do thì đội mũ rộng vành gọi là Bôiliva.
Khoảng đầu giêng năm 1823, nghĩa là tám chín tháng sau những việc vừa kể, vào buổi tối một ngày mưa tuyết, một chàng công tử, một gã vô công rồi nghề kiểu trên, ăn mặc đúng thời trang, lại choàng một áo khoác thật ấm, đang tiêu khiển bằng cách trêu nghịch một gái điếm. Ả này đang lảng vảng trước tiệm cà phê sĩ quan. Ả bận áo mỏng để hở ngực và vai, trên đầu giắt hoa. Tay công tử hút thuốc lá, cái mốt bấy giờ là thế.
Mỗi lần người gái điếm lượn qua thì hắn lại phà khói xì gà vào mặt ả và văng ra những lời trêu chọc mà hắn cho là hóm hỉnh: “Sao mày xấu như ma lem thế! - Hãy che mặt đi, con kia! - Mày là con móm!”… Tay công tử ấy tên là Bamataboa. Người đàn bà trông như con ma dại trát phấn đi đi lại lại trên tuyết, không trả lời, không thèm nhìn hắn. Ả cứ yên lặng đi, lại, cách năm phút lại đến hứng những lời chế giễu một lần, y như một tên lính bị phạt đòn qua lại dưới trận mưa roi. Thấy châm chọc không kết quả, anh chàng đâm tức, bèn rình lúc chị kia quay lưng lại, khẽ rón rén đi theo, nhịn cười cúi xuống bốc một nắm tuyết bỏ tọt vào lưng áo hở vai của chị ta; chị rú lên một tiếng, nhảy chồm lên như một con báo, xông vào cào cấu nát mặt thằng nghịch ác, miệng chửi rủa những lời ghê gớm nhất. Tiếng chửi rủa khàn khàn vì rượu văng ra từ một cái mồm đen ngòm thiếu cái răng, trông đến gớm. Người đàn bà ấy là Phăngtin.
Nghe náo động, bọn sĩ quan trong tiệm kéo cả ra ngoài, người đi đường cũng đứng lại, tụ tập thành đám đông vây quanh lấy đám đánh nhau mà cười, mà la ó, mà vỗ tay. Trong đám đánh nhau túi bụi như một cơn lốc, nhìn kỹ mới thấy một anh đàn ông đương chơi vơi, mũ lăn dưới đất, một chị đàn bà vừa đấm, vừa đá, vừa rú thét, đầu trần, không răng, không tóc, mặt tái nhợt vì giận, nom thật ghê gớm.
Bỗng một người cao lớn từ đám đông tiến thẳng ra, tóm ngực áo xa tanh đầy bùn của người đàn bà, ra lệnh:
- Đi theo ta!
Người đàn bà ngẩng lên. Tiếng thét bỗng nhiên nghẽn trong cổ. Hai con mắt chị đờ ra. Mặt chị đang tái nhợt bỗng hóa ra tái xanh và chị run lên vì kinh sợ. Chị đã nhận ra người ấy là Giave.
Cậu công tử nhân lúc lộn xộn chuồn mất.