Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển XII - Chương 03 - 04 - 05

Unmute
Loaded: 0%
Progress: 0%
Remaining Time-0:02
III
ĐÊM TỐI BẮT ĐẦU XUỐNG VỚI GƠRĂNGTE
Chọn chỗ ấy là đúng tuyệt! Con đường ở ngoài vào cứ thắt dần rồi tắc lại. Quán rượu Côranh chẹn ngang đường phố Săngvrơri, còn phố Môngđêtua thì dễ chặn cả hai bên phải và trái. Chỉ có một mặt tấn công được, mặt phố Xanh Đơni, nghĩa là quân tấn công sẽ bị trống trải và bắt buộc phải đánh trực diện. Quả thật Bốtxuyê say mà con mắt quân sự không kém Aniban đói.
Thấy toán này xô nhau vào, cả phố hoảng hồn. Tất cả các khách qua đường đều lẩn tránh. Trong chớp mắt, tất cả các nơi: ở trong cùng, bên trái, bên phải, các cửa hàng, các quầy hàng, cửa ra vào, cửa sổ, cửa chớp lớn bé từ tầng nền cho đến trên tầng áp mái cũng đều đóng sập lại. Một bà già sợ quá, đem nệm giường treo lên hai cái sào gác phơi quần áo ở cửa sổ để chống đạn. Chỉ có quán rượu mở cửa vì một lẽ đơn giản: cả bọn đều ùa vào đấy.
Bà Huysơlu chỉ biết thở dài, kêu:
- Trời ôi! Trời ôi!
Bốtxuyê ra đón Cuốcphêrắc. Giôli đến cửa sổ thò đầu gọi:
- Cuốcphêrắc! Sao cậu không cầm lấy một cái ô? Khéo mà sổ mũi đấy.
Chỉ trong mấy phút họ đã tháo được hai mươi cái song sắt ở trước cửa quán và nạy được hai mươi thước đá lát đường. Gavrốt và Bahôren đã tịch thu một cái xe của anh hàng vôi tên là Ăngxô đang đi qua, trên xe có ba thùng vôi. Họ bèn lật sấp cái xe xuống, đặt ba thùng vôi dưới những chồng đá. Ănggiônrátx đã mở nắp hầm rượu. Bao nhiêu thùng rượu trống đều được khuân ra đặt cạnh mấy thùng vôi. Phơidi xưa nay quen tô màu những nan quạt mỏng manh, cũng đã khuân được hai chồng đá to tướng xếp vào để chống đỡ cỗ xe và các thùng. Đá tự dưng nghĩ ra cũng như các thứ khác và lấy ở đâu không biết. Họ tháo cả những đòn chống trước mặt một nhà lân cận và đặt nó nằm trên các thùng rượu. Khi Bốtxuyê và Cuốcphêrắc quay mặt lại thì một nửa phố đã bị một bức lũy cao quá đầu người chắn ngang. Thực không ai bằng quần chúng trong việc phá hoại để xây dựng.
Matơlốt và Gibơlốt cũng dự vào công việc. Gibơlốt chạy đi chạy lại mang gạch đá. Ả dựng chiến lũy cũng mệt nhọc như hầu rượu cho khách, vừa làm vừa ngái ngủ.
Một cỗ xe chở khách đóng hai con ngựa trắng đi qua đằng đầu phố.
Bốtxuyê nhảy qua đống đá chạy lại giữ anh đánh xe, bảo hành khách xuống hết. Anh giơ tay ra đỡ các bà, các cô xuống, ra lệnh cho người đánh xe cút đi và dắt cả xe ngựa về.
- Xe khách không được đi qua trước Côranh, anh nói. Non licet omnibus adire Corinthum.[246]
[246] Một ngạn ngữ latinh cũ, nghĩa là: Không phải ai cũng đến được Côranh.
Một lát sau, họ thả hai con ngựa đi công trên đường phố Môngđêtua và lật cỗ xe xuống để hoàn thành việc dựng chiến lũy.
Bà Huysơlu hoảng quá chạy lên tầng thứ nhất để trốn. Hai mắt bà lờ đờ, ngơ ngác nhìn mà không thấy, miệng lập cập ấp úng kêu không ra tiếng. Mụ làu bàu:
- Rõ là ngày tận thế!
Giôli ghé môi hôn cái cổ béo phị, đỏ và nhăn nheo của bà và nói với Gơrăngte:
- Này cậu, mình vẫn chưa cho cái cổ đàn bà là một vật hết sức thanh tú.
Nhưng Gơrăngte thì cao hứng đến tột độ. Thấy Matơlốt lên lầu, anh ôm nó ngang lưng và cười quang quác qua cửa sổ:
- Matơlốt xấu xí! Anh hét. Matơlốt là sự xấu xí mơ ước! Nó là con quái vật. Nó sinh ra là vì thế này: một lão thợ nặn tượng thường làm tượng ở các đầu ống máng cho nhà thờ, một hôm phải lòng một tượng ống máng, cái tởm nhất. Anh ta cầu khẩn thần ái tình cho tượng sống dậy. Và đó là Matơlốt. Đồng bào nhìn xem: tóc nó màu hung đỏ râu ngô như tóc ả nhân tình Titiêng[247] ngày xưa. Nó lại là một con bé ngoan. Đàn bà mà ngoan thì đánh trận cùng anh hùng. Tớ bảo đảm thế nào nó cũng chiến đấu ra trò. Còn mụ Huysơlu cũng là một mụ già can đảm đấy. Hãy xem râu mép của mụ! Râu này mụ thừa hưởng của đức ông chồng đấy. Một nữ kỵ binh chứ vừa đâu! Mụ cũng chiến đấu cho mà xem. Chỉ hai người này cũng đủ làm cho cả vùng ngoại ô phát khiếp. Các đồng chí, chúng ta sẽ lật đổ chính phủ. Cái đó cũng thực như từ a-xít mác-ga-ríc đến a-xít phoóc-mích có mười lăm thứ a-xít trung gian. Vả lại, tớ cóc cần, ông cụ tớ ghét tớ vì tớ chẳng hiểu gì về toán, ở đời tớ chỉ hiểu có ái tình và tự do. Tớ là thằng Gơrăngte hiền lành! Xưa nay không bao giờ tớ có tiền nên tớ cũng không quen có tiền, do đó cũng không bao giờ túng. Như cái thằng tớ mà giàu thì thiên hạ chẳng còn ai nghèo nữa. Nếu thế thì người ta đã thấy thế nào rồi! Nếu những thằng tốt bụng mà đầy túi thì tốt biết mấy. Tớ tưởng tượng giá Chúa Giêxu lại có cái gia tài của Rốtxin[248] thì làm được bao nhiêu việc thiện. Matơlốt ơi, mày hôn tao đi! Mày thì đa tình nhưng nhút nhát. Má của mày thích người ta hôn như hôn em gái, nhưng môi của mày đòi người ta hôn như hôn người yêu cơ.
[247] Bức họa tình nhân Titiêng của họa sĩ Titiêng.
[248] Một nhà triệu phú hồi ấy.
- Im đi, cái lũ chim kia. Cuốcphêrắc mắng.
- Tớ là thẩm phán thành Tuludơ lại là thầy dạy làm thơ đấy. Gơrăngte đáp.
Ănggiônrátx đứng trên nóc chiến lũy, tay cầm súng, ngẩng mặt lên, nét mặt đẹp đẽ nghiêm nghị. Mọi người biết tính chàng gan dạ và cứng nhắc. Chàng quát:
- Gơrăngte, đi đâu mà ngủ thì đi cho rảnh. Đây là chỗ để hăng say chứ không phải là chỗ để say sưa rượu chè. Đừng làm ô danh chiến lũy.
Câu nói gắt gỏng này tác động Gơrăngte một cách lạ thường. Có thể nói anh như bị một gáo nước lạnh giội vào mặt. Anh sực tỉnh rượu. Anh ngồi xuống, chống tay lên cái bàn gần cửa sổ, đưa mắt nhìn Ănggiônrátx thiết tha trìu mến và nói:
- Cậu biết. Mình tin ở cậu!
- Đi đâu thì đi đi.
- Để mình ngủ ở đây.
- Đi nơi khác mà ngủ.
Nhưng Gơrăngte vẫn nhìn bạn, cặp mắt đục ngầu và âu yếm:
- Cho mình ngủ ở đây, cho đến khi chết ở đây.
Ănggiônrátx lườm anh khinh thường:
- Gơrăngte! Cậu không biết tin, không biết nghĩ, không biết quyết chí, không biết sống, mà cũng không biết chết.
Gơrăngte trả lời nghiêm trang:
- Cậu để xem.
Anh lắp bắp mấy tiếng nữa không ai hiểu gì, rồi nặng nhọc gục đầu xuống bàn. Anh đã đi vào cái độ say thứ hai và chính câu nói của Ănggiônrátx đã đẩy anh đến trạng thái này. Một lát sau anh đã ngủ say.
IV
THỬ AN ỦI BÀ HUYSƠLU
Bahôren say sưa với cái chiến lũy, kêu lên:
- Xem đường phố mặc áo cổ bé này! Xinh chưa?
Cuốcphêrắc vừa dỡ quán rượu, vừa tìm cách an ủi bà góa chủ quán:
- Bà Huysơlu ơi! Chẳng phải hôm nọ bà đã phàn nàn rằng người ta làm biên bản mà phạt bà chỉ vì con Gibơlốt đã giũ nệm qua cửa sổ là gì?
- Đúng thế, ông Cuốcphêrắc quý hóa ạ! Lạy Chúa! Ông cũng định vứt cái bàn ấy vào cái quỷ sứ của ông à? Cũng vì cái nệm ấy và cũng vì một chậu hoa trên cửa sổ rơi xuống đường phố mà nhà nước đã lấy của tôi một trăm phơrăng tiền phạt. Ông thấy có phải là một việc thậm vô lý không?
- Bởi thế, chúng tôi báo thù cho bà đây, bà Huysơlu ạ.
Bà Huysơlu hình như không thấy lợi lộc gì trong cái kiểu báo thù ấy. Bà hài lòng cũng bằng như chị thiếu phụ A-rập nọ: chị ta bị chồng tát tai bèn về kiện với cha và đòi cha báo thù. Chị nói: Như thế là hắn đã xúc phạm cha, oán thì cha phải báo oán. Người cha hỏi: Hắn tát má bên nào? - Má trái. Người cha tát chị bên phải một cái nên thân và bảo: Thế là vừa lòng mày nhé! Mày về bảo hắn rằng hắn đã tát con gái tao thì tao tát vợ nó cho bõ ghét.
Lúc bấy giờ mưa đã tạnh, nhiều chiến sĩ mới gia nhập hàng ngũ cũng đến. Trước đấy anh em thợ đã giấu dưới áo bơ-lu và đem tới một thùng thuốc súng, một giỏ chai đựng cường toan, hai ba cây đuốc rước dạ hội và một cái sọt đầy những cây đèn trong đêm lễ sinh nhật nhà vua còn lại. Lễ ấy vừa mới cử hành hôm mồng một tháng Năm. Người ta bảo rằng những thứ đạn dược ấy do một người chủ hiệu tạp hóa tên là Pêpanh cung cấp. Phố Săngvrơri có độc một cây đèn trụ, họ cũng đập mất, họ đập luôn cây đèn đối diện ở phố Xanh Đơni, và tất cả đèn đóm ở các phố lân cận là phố Môngđêtua, phố Xinhơ, phố Pơrêsơ, phố Tơruyăngđri.
Ănggiônrátx, Côngphơbe và Cuốcphêrắc điều khiển tất cả mọi việc. Bây giờ họ dựng hai chiến lũy cùng một lúc, đấu nhau theo hình thước thợ. Cả hai đều tựa vào quán rượu Côranh: chiến lũy lớn chắn ngang phố Săngvrơri, chiến lũy nhỏ chắn phố Môngđêtua, về phía phố Xinhơ. Chiến lũy thứ hai này hẹp lắm và dựng toàn bằng thùng rượu và đá lát đường, ở đấy cả thảy có năm chục người đương làm việc, trong đó có ba mươi người có súng: lúc kéo qua một cửa hiệu bán súng, họ đã mượn toàn bộ súng trong hiệu.
Không có gì kỳ khôi lắm vẻ cho bằng đoàn quân ấy. Anh này mặc áo lễ phục, cầm gươm kỳ binh với hai súng ngắn, thứ súng giắt yên ngựa, chàng kia mặc sơ mi, đầu đội mũ tròn, lưng đeo bầu thuốc súng, anh nọ ngực áo thẳng dựng bằng bảy tờ giấy xám, tay cầm dùi thợ da. Có một chàng thét lớn: Chúng ta phải tiêu diệt đến tên cuối cùng rồi chết trên mũi lê của chúng ta!Nhưng chàng ta lại không có lưỡi lê. Một người bên trong mặc áo choàng dài, ngoài đeo một tấm da trâu, lưng mang thứ bao đạn của quốc dân quân, vải bọc còn dính mấy chữ: "An ninh công cộng" rành rành bằng len đỏ. Nhiều súng khác số hiệu quân đội chính quy, không mấy ai đội mũ, cà vạt chẳng có chiếc nào, rất nhiều cánh tay trần, một vài cây giáo. Thêm vào đó, đủ lứa tuổi, đủ khuôn mặt, mặt của những chàng thanh niên trắng xanh, mặt của những anh công nhân bến tàu rậm đỏ. Ai nấy đều tất tả vội vàng. Vừa giúp đỡ nhau, họ vừa bàn tán về triển vọng chiến thắng: người thì nói đến khoảng ba giờ sáng sẽ có viện binh, kẻ nói có một trung đoàn chắc chắn đứng về phía cách mạng, có người nói cả thành Pari sẽ vùng dậy bạo động. Thật là những câu chuyện kinh khủng xen trong một không khí nô đùa thân mật. Trông họ, người ta tưởng là anh em một nhà, thế mà họ không biết tên nhau. Cảnh nguy biến lớn có chỗ đẹp là nó làm rạng tỏ tình hữu ái giữa những người chưa quen biết nhau.
Họ đốt lò lửa trong nhà bếp để thổi chảy tất cả những thứ thìa, nĩa, cốc bằng thiếc mạ bạc trong quán rượu rồi đổ vào khuôn đạn. Họ vừa làm vừa uống rượu. Trên bàn la liệt những hạt kíp, những đạn lớn, đạn con cùng với cốc rượu vang. Trong buồng bi-a, ba thầy trò bà Huysơlu xé khăn lau cũ để làm băng rịt thuốc. Sợ hãi làm cho mọi người thay đổi một cách khác nhau: bà Huysơlu hóa ra đờ đẫn, con Matơlôt ì ạch thở phò phò, còn con Gibơlốt lại tỉnh táo nhanh nhẹn hơn trước. Có ba nghĩa quân giúp đỡ họ, ba chàng rậm rịt những tóc những râu cằm, râu mép làm cho họ run sợ, thế mà tay những người thợ ấy xé vải, làm băng nhanh nhẹn khéo léo như tay các chị thợ khâu.
Cuốcphêrắc, Côngphơbe và Ănggiônrátx có để ý đến một người hình vóc cao lớn lúc hắn nhập bọn. Người ấy bây giờ góp sức dựng cái chiến lũy nhỏ, trông chừng cũng được việc. Gavrốt làm việc ở chiến lũy lớn. Còn chú thanh niên đã đến tìm Mariuytx ở nhà Cuốcphêrắc thì chú đã biến đi đâu mất từ lúc người ta lật đổ chiếc xe hàng.
Gavrốt nhẹ nhàng hào hứng tự nhận nhiệm vụ thúc đẩy công việc. Chú đi, chú lại, chú chạy lên, chú chạy xuống, chú xoa xuýt, chú tươi cười. Hình như chú đến đấy để khuyến khích mọi người. Chú có kim chích chăng? Có đấy, đó là cảnh nghèo đói của chú. Chú có cánh chăng? Cũng có, đó là sự hân hoan của chú. Chú là sự quay cuồng. Người ta luôn luôn nom thấy chú, luôn luôn nghe tiếng chú. Chú đứng chật cả không gian vì ở đâu cũng có chú. Chú là cái ám ảnh gần như khó chịu vì không thể nào dừng lại một phút với chú. Cái chiến lũy to tướng cảm thấy có chú cưỡi trên lưng. Chú làm cho những anh lêu têu phải ngượng, chú kích thích người lười, chú hồi sức cho người mệt, chú chọc tức những anh mơ mộng. Vì chú, kẻ này vui lên, kẻ kia thêm hăng hái, kẻ nọ nổi nóng, có điều ai ai cũng hoạt động hơn lên. Chú châm anh sinh viên này, đốt anh thợ kia, đáp xuống, dừng lại, bay đi, lượn trên cảnh huyên náo, nhảy từ người này qua người nọ, vo ve, vù vù, hành tội đoàn ngựa kéo. Gavrốt là con ruồi của cỗ xe cách mạng vĩ đại.
Đôi cánh tay nhỏ của chú là sự chuyển động thường trực, hai lá phổi tí hon của chú chứa đựng huyên náo không dừng.
- Giỏi lắm. Chất thêm gạch đá lên! Thêm thùng rượu nữa! Nữa, thêm cái gì nữa chú! Ở đâu có những thứ này nhỉ? Nào, cho tôi một giỏ vôi gạch vụn để nhét cái lỗ hổng này. Ồ, cái chiến lũy của các ông chả ra làm sao. Tệ lắm! Phải cho nó cao lên nữa đi. Có cái gì đem xếp cả đây, vứt cả đây, ném mẹ nó cả đây. Đập nhà ra mà bỏ vào. Một chiến lũy mà lị, một chiến lũy cũng như một bữa tiệc trà ở nhà mụ Gibu. Đây này, có một cánh cửa kính đây.
Mọi người la ó:
- Cửa kính à? Cửa kính để làm đếch gì, hỡi chú bé hạt mít kia?
Gavrốt cãi lại:
- Các anh bị thịt thì có! Dựng chiến lũy mà có cửa kính thì tuyệt. Cửa kính không ngăn được tấn công nhưng lấy cho được thì cũng còn khổ với nó. Thế các anh chưa bao giờ trèo tường có cắm mảnh chai để trẩy táo trộm à? Cửa kính, ừ cửa kính sẽ cắt mẹ chân của lũ quốc dân nếu chúng leo lên chiến lũy. Lạ gì, cái thứ thủy tinh là chúa phản phúc! À ra anh em chẳng có chút trí tưởng tượng nào, các anh em ạ.
Gavrốt lại còn tức điên ruột vì khẩu súng ngắn không cò của mình nữa. Nó chạy hết người này đến người khác, luôn mồm đòi hỏi:
- Súng đâu? Tôi cần một khẩu súng! Tại sao không phát cho tôi một khẩu súng?
- Phát súng cho mày à? Côngbơphe nói.
- Ơ kìa! Sao lại không? Năm 1830, khi gây nhau với Sáclơ X, thì tôi vẫn được phát một cây súng mà.
Ănggiônrátx nhún vai:
- Khi nào người lớn có đủ súng thì sẽ phát cho trẻ con.
Gavrốt kiêu hãnh quay lại, bảo:
- Hễ đằng ấy chết trước thì tớ lột súng tớ lấy.
- Nhãi con! Ănggiônrátx buột miệng.
- Bạch diện! Gavrốt đáp.
Vừa lúc ấy, một chàng công tử bột đi thơ thẩn lạc đến đấy, làm cho họ quên phắt chuyện cãi cọ. Gavrốt gọi hắn:
- Thanh niên kia! Lại đây với chúng tớ! Nào, cũng phải làm một cái gì đó cho bác Tổ quốc già này với chứ?
Chàng công tử bỏ chạy mất.
V
CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ
Báo chí đương thời bảo rằng cái chiến lũy phố Săngvrơri là một thành trì không sao chiếm được, và nó cao ngang một tầng lầu thứ nhất. Nói như thế là sai. Thực ra, trung bình nó không cao quá hai thước. Nhưng họ đã dựng chiến lũy một cách khiến cho các chiến sĩ có thể đứng khuất ở phía trong, hoặc nhô người lên bao quát tất cả, hoặc hơn nữa leo lên đỉnh nhờ bốn tầng đá chồng thành bậc thang ở phía trong. Ở phía ngoài, mặt chiến lũy xếp toàn gạch, đá và thùng rượu. Lại có cột nhà, ván gỗ gài chằng chịt và mấy cái bánh xe của hai cỗ xe là cỗ xe của Ăngxô và cỗ xe chở khách lật úp sấp xuống. Thành ra nó có vẻ lởm chởm không biết đằng nào mà lần vào. Chỉ có một cái khe hở vừa lọt một người ở chỗ chiến lũy giáp với tường bên kia đường cách xa quán rượu nhất để có thể tách ra. Trục cỗ xe chở khách được dựng ngược lên thẳng đứng, có dây thừng giữ. Ở đầu trục buộc một lá cờ đỏ bay phấp phới trên chiến lũy.
Chiến lũy nhỏ phố Môngđêtua nấp sau quán rượu nên không ai trông thấy. Hai chiến lũy gộp lại làm thành một công sự hẳn nhiên. Ănggiônrátx và Cuốcphêrắc thấy không cần phải chắn ngang đoạn kia của phố Môngđêtua là đoạn do phố Prêsơ mà thông ra khu chợ vì họ muốn giữ một lối thông ra ngoài. Vả chăng họ cũng không sợ bị tấn công từ đường Prêsơ vì đường này hiểm trở quanh co.
Như vậy, trừ con đường này để hở, - mà nhà lý luận quân sự Phôla gọi là một giao thông hào - và trừ cả hai khe hở nhỏ xíu ở đường Săngvrơri thì phía trong chiến lũy làm thành một hình tứ giác lệch bốn bề bịt kín. Ở trong tứ giác này tiệm Côranh làm thành một góc lồi. Từ lũy lớn đến những dãy nhà cao cuối phố chỉ độ hai chục bước. Thành thử, có thể nói rằng chiến lũy tựa lưng vào những ngôi nhà này, nhà nào cũng có người ở nhưng từ trên xuống dưới đóng cửa kín mít.
Tất cả công việc này hoàn thành trong non một tiếng đồng hồ không gặp trở ngại, và nhóm người gan góc này vẫn không thấy một cái mũ lông nào hay một lưỡi lê nào xuất hiện. Có anh tư sản nào bấy giờ lảng vảng đến phố Xanh Đơni, liếc mắt nhìn phố Săngvrơri, thấy chiến lũy, cũng lo nhanh chân tháo sớm.
Hai chiến lũy đã dựng xong, lá cờ đã treo lên, họ lôi một cái bàn ra khỏi tiệm rượu và Cuốcphêrắc đứng lên trên bàn. Ănggiônrátx mang cái thùng vuông đến và Cuốcphêrắc mở nó ra. Thùng này đầy các-tút. Thấy đạn, những ai gan góc nhất cũng giật mình, mọi người lặng đi một lát.
Cuốcphêrắc vừa mỉm cười vừa phân phát đạn.
Mỗi người lĩnh ba mươi các-tút. Nhiều người có thuốc súng bắt đầu làm thêm liều đạn nhân ở đấy đang đúc đạn. Người ta khiêng thùng thuốc súng đặt lên một cái bàn khác gần cửa để dự trữ.
Tiếng trống tập trung vang khắp Pari vẫn không dứt nhưng vì nghe mãi nó đã thành ra một thứ tiếng đều đều chẳng ai để ý. Tiếng trống khi nghe xa xa, khi tiến lại gần, ngân vang một cách não ruột.
Mọi người nạp đạn vào súng khoan thai trịnh trọng. Ănggiônrátx đặt ba người gác ở ngoài chiến lũy: một người ở phố Săngvrơri, một người ở phố Prêsơ, người thứ ba ở phố Tơruyăngđri.
Thế rồi, chiến lũy dựng xong, các vị trí chiến đấu đã có người giữ, súng đã nạp đạn, người gác đã bố trí, họ cùng đứng với nhau giữa đường phố dễ sợ, vắng tanh, xung quanh là những ngôi nhà lầm lì im lặng vắng hết bóng người như đã chết. Xung quanh họ, bóng sẫm của buổi chiều tà mỗi lúc một dày. Giữa cảnh âm u, tịch mịch, người ta cảm thấy có một cái gì ghê gớm, hãi hùng đang lừ lừ tiến đến, và những con người cô lập đó chờ đợi, tay nắm vũ khí, kiên quyết và bình tĩnh.