Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển VIII - Chương 03 - 04

III
BÓNG TỐI BẮT ĐẦU
Giăng Vangiăng nào có biết gì.
Bản tính Côdét có phần ít mơ mộng hơn Mariuytx. Nàng vui vẻ và chỉ thế cũng đủ làm Giăng Vangiăng sung sướng.
Mặc đầu óc Côdét còn bận nghĩ về âu yếm và hình ảnh Mariuytx vẫn tràn ngập tâm hồn, mặt nàng vẫn cứ thơ ngây, hớn hở. Nàng ở vào cái tuổi mà tình yêu trong lòng người trinh nữ cũng tự nhiên như đóa hoa huệ trong tay thiên thần nên Giăng Vangiăng vẫn không ngờ vực gì hết. Vả chăng khi đôi lứa yêu nhau thì họ ranh lắm; Nếu có kẻ thứ ba nào có thể quấy rối tình yêu của họ, người đó sẽ bị họ bưng tai bít mắt rất khéo bằng mấy cách đề phòng muôn thủa của giống si tình.
Chẳng hạn, chẳng bao giờ nàng làm trái ý Giăng Vangiăng.
Bố muốn đi dạo ư? Vâng, bố yêu quý ạ. Bố muốn ở nhà? Cũng hay. Bố muốn ngồi nói chuyện buổi tối với con ư? Con thích lắm. Bao giờ đến mười giờ đêm Giăng Vangiăng cũng về phòng ngủ. Mariuytx chờ cho qua mười giờ, nghe tiếng nàng mở cửa chàng mới lách vào. Cố nhiên ban ngày không ai bắt gặp Mariuytx ở đấy. Giăng Vangiăng không hề ngờ có một chàng Mariuytx. Duy có một lần, ông bỗng nói với Côdét:
- Kìa! Tại sao sau lưng áo con lại trắng như thế? Số là tối qua Mariuytx trong một phút bồng bột đã ép nàng vào sát tường.
Mụ Tútxanh tính hay ngủ sớm. Hễ công việc xong là chỉ lo lên giường, cho nên mụ cũng mù tịt như Giăng Vangiăng. Không bao giờ Mariuytx bước vào nhà nàng. Khi có Côdét, cả hai nấp vào một xó khuất gần thềm để ngoài đường nhìn vào không nghe, không thấy được gì. Họ ngồi yên lặng, nhiều khi chẳng chuyện trò gì cả, chỉ nắm chặt tay nhau mỗi phút và mười lần và nhìn lên các cành cây. Trong những lúc ấy giá rét có đánh cảnh họ mấy mươi bước họ cũng chẳng để ý. Hình như bấy giờ tâm hồn gặp nhau và hòa lẫn với nhau trong giấc mơ vậy.
Những phút gặp gỡ ấy thật là trong sáng, thật là thanh khiết và bao giờ cũng giống như bao giờ. Đó là một thứ tình yêu trong trắng, chẳng khác gì một thứ cành hoa huệ với lòng trắng chim bồ câu.
Từ chỗ hai người ngồi ra đến đường cái còn cả một cái vườn. Mỗi lần ra vào Mariuytx đều lắp chấn song lại cẩn thận để không ai thấy suy suyển gì.
Đến nửa đêm Mariuyt đi ra, về nhà Cuốcphêrắc.
Cuốcphêrắc bảo Bahôren:
- Cậu có tưởng tượng được không? Độ này Mariuytx cứ một giờ sáng mới mò về.
- Lạ gì! Bahôren đáp. Anh học trò nhà dòng nào lại không lận hỏa pháo trong người.
Có lúc Cuốcphêrắc khoanh tay làm ra vẻ nghiêm trang nói với Mariuytx:
- Độ rầy cậu chịu khó đi lắm, anh bạn trẻ ạ!
Bản tính thiết thực, Cuốcphêrắc không quan tâm đến cái cảnh bồng lai vô hình phản ánh trên nét mặt Mariuytx. Vốn không quen những lối say mê mới lạ, chàng bực mình và thường nhắc bạn phải quay về thực tế.
Một buổi sáng, chàng nói với Mariuytx:
- Này cậu, mình xem cậu độ rày như đang sống ở đâu trên nguyệt cầu, vương quốc chiêm bao, tỉnh mộng tưởng, thủ đô Bong-bóng-xà-phòng gì ấy. Nào, ngoan ta bảo nào. Cô ta tên là gì?
Nhưng đố có cái gì làm cho Mariuytx "mở miệng"! Có thể lấy kim vặn hết mười ngón tay chứ không có cách gì làm chàng thốt ra một trong hai âm tiết thiêng liêng làm thành cái tên Côdét quý báu. Ái tình chân chính sáng ngời như bình minh và im lặng như nấm mộ. Tuy nhiên Cuốcphêrắc cũng để ý thấy Mariuytx có thay đổi, chàng có một vẻ trầm lặng hân hoan.
Trong tháng Năm êm ả đó, Mariuytx và Côdét đã sống những phút sung sướng không bờ bến:
Đó là cãi nhau, gọi nhau là ông là bà để sau đó gọi nhau là anh là em một cách âu yếm hơn.
Đó là kể thật lâu, thật tỉ mỉ về những người họ không chú ý gì cả, điều này càng chứng tỏ ái tình là một bản nhạc kịch, trong đó cốt là âm nhạc còn lời kịch thì chẳng nghĩa lý gì; Đó là nghe Côdét nói chuyện vá may, còn về phần Côdét, là ngồi nghe Mariuytx nói chuyện chính trị,
Cùng ngồi, gối kề gối, nghe xe chạy trên đường Babilon cùng ngắm một vì sao trên trời hay một con đom đóm dưới cỏ;
Cùng im lặng; cái này còn êm ái hơn nói chuyện nữa;
Vân vân…
Tuy nhiên, có lắm nỗi trắc trở lôi thôi đang đến.
Một buổi tối, Mariuytx đi đến nơi hò hẹn theo đại lộ Anhvalít. Chàng đang cúi đầu bước và sắp sửa rẽ sang phố Pơluymê thì có ai gọi bên cạnh.
- Chào ông Mariuytx.
Chàng ngẩng đầu và nhận ra Êpônin.
Việc gặp gỡ này đối với chàng có tác dụng là lạ. Từ hôm Êpônin đưa chàng tới phố Pơluymê đến nay, chưa lần nào chàng nghĩ đến nó, và cũng chưa bao giờ chàng gặp mặt nó, nên chàng quên khuấy đi. Kể ra Mariuytx phải mang ơn nó nhiều vì nhờ nó chàng mới có hạnh phúc ngày nay. Thế mà gặp nó chàng cảm thấy khó chịu.
Đừng tưởng rằng khi người ta toại nguyện và trong sạch trong tình yêu thì người ta trở nên toàn thiện. Thực thì người ta chỉ đâm ra quên tất cả, như chúng tôi đã nói. Bây giờ người ta quên nghĩ đến việc ác, nhưng cũng đồng thời quên nghĩ đến việc thiện. Người ta không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến ân nghĩa, đến bổn phận, đến những kỷ niệm lớn vẫn làm người ta bận lòng. Gặp lúc khác thì Mariuytx đã đối xử với Êpônin một cách khác hẳn. Lòng chàng nay chỉ biết có Côdét, nên chàng cũng không còn nhớ rõ ràng nó chính tên là Êpônin Tênácđiê, cái tên đã ghi trong tờ di chúc cha chàng để lại. Cách mấy tháng trước, giá gặp cái người đội tên ấy chắc chàng đã hết lòng hết dạ vì họ. Ta cứ tả Mariuytx đúng như trong thực tế. Trong thực tế thì tình yêu rực rỡ của chàng đã khiến cho ngay đến cả hình ảnh cha chàng cũng mờ nhạt đi một phần. Cho nên chàng trả lời lúng túng.
- A! Cô Êpônin đây à?
- Tại sao ông lại gọi em bằng cô? Em có làm gì tệ với ông không?
- Không.
Đành rằng chàng chẳng có gì phiền nó. Trái lại. Nhưng chàng cảm thấy không sao làm khác được. Chàng đã gọi Côdét là em, chàng đành phải gọi Êpônin là cô.
Thấy chàng câm bặt, nó kêu lên:
- Này ông…
Nhưng rồi nó dừng lại. Trước kia nó táo tợn và vô tư là thế mà bây giờ nó không còn biết nói năng ra sao nữa. Nó gượng cười nhưng không cười được. Nó nói tiếp:
- Thế nào?…
Rồi lại im bặt lần nữa và cúi mặt. Đột nhiên nó nói: - "Chào ông Mariuytx”. Rồi bỏ đi.
IV
"CAB" TIẾNG ANH THÌ LĂN, TIẾNG LÓNG THÌ SỦA
Hôm sau là ngày mồng ba tháng sáu, ngày mồng ba tháng sáu năm 1852, một năm đáng ghi nhớ bởi vì bấy giờ có những biến cố quan trọng cứ lơ lửng ở chân trời Pari như những đám mây đen sắp gây ra bão táp. Vừa tối, Mariuytx đang men theo con đường hôm qua để đến nơi hò hẹn, lòng tràn ngập vui sướng, thì bỗng thấy Êpônin tiến về phía chàng giữa các hàng cây trên đại lộ. Gặp liền hai lần trong hai ngày như thế này thực là quá nhiều. Chàng vội quay đi, rời đại lộ, rẽ vào phố Hoàng đệ để đến phố Pơluymê.
Cử chỉ này khiến Êpônin theo hút bóng chàng đến tận phố Pơluymê, một việc mà trước kia không bao giờ nó làm. Từ trước đến nay nó chỉ cần nhìn chàng đi qua trên đại lộ, cả đến việc tìm cách bắt gặp, nó cũng không làm. Mãi tối qua nó mới thử mở miệng chuyện vãn.
Vậy Êpônin đi theo chàng mà chàng không biết. Nó thấy chàng đẩy cái chấn song lách vào vườn.
- À? Thì ra anh ta vào nhà!
Nó đến gần hàng rào, nắn từng chấn song một và tìm được ngay cái chấn song Mariuytx vừa xê dịch. Nó lầm bầm trong miệng, giọng ghê rợn:
- Thế này thì không được đâu cô ả ạ!
Nó ngồi xuống chân tường sát cạnh song sắt như để canh giữ. Đó lại chính là nơi hàng rào tiếp giáp với tường nhà bên cạnh. Ở đấy có một cái góc tối om, nó có thể ẩn mình lọt thỏm. Nó ẩn mình một giờ như thế, không nói năng, cũng không thở mạnh, suy nghĩ mông lung.
Vào khoảng mười giờ tối, trong số hai, ba người thường đi qua phố Pơluymê, có một lão tư sản già về muộn đang rảo bước ở nơi vắng vẻ và nguy hiểm kia. Hắn đi men theo hàng rào sắt và vừa đến góc tường thì nghe có tiếng trầm trầm dễ sợ nói:
- Thảo nào tối nào chàng cũng đến đây.
Người khách nhớn nhác nhìn quanh, không trông thấy ai, không dám nhìn vào cái hốc tối kia và sợ hết hồn. Hắn rảo bước đi nhanh.
Hắn đi nhanh như vậy là khôn đấy, bởi vì chỉ một lát sau có sáu người cách quãng nhau cũng men theo tường mà đi, nhác nom tưởng đâu là một toán lính tuần. Họ đi vào phố Pơluymê.
Người đi đầu đến hàng rào sắt vườn ấy thì dừng lại đợi mấy người kia: một thoáng sau tất cả sáu người đều đủ mặt.
Họ bắt đầu thì thầm:
- Đây rồi! Một thằng nói.
- Trong vườn có cab[194] không? Một thằng khác hỏi.
- Đếch biết. Dẫu sao tớ đã chạy sẵn một nắm để nhồi cho cậu ta đây.
- Có nhựa[195] để bể kính không?
- Có.
Thằng thứ năm nói giọng bụng.
- Hàng rào cũ rích rồi.
- Càng hay. Thằng thứ hai đáp. Thế thì có của nó cũng không tru tréo lên, và gặt nó cũng dễ.
Thằng thứ sáu nãy giờ vẫn chưa mở miệng, sờ tất cả các song sắt như một giờ trước đây Êpônin đã làm. Hắn nắn từng chấn song một và lay từng cái một rất cẩn thận. Cứ thế. Hắn đến cái chấn song Mariuytx đã nạy ra.
[194] Cab tiếng Anh là xe ngựa, đây dùng theo nghĩa lóng là con chó.
[195] Nhựa mastic đắp lên kính để ấn gãy không kêu, không rơi loảng xoảng.
Hắn sắp sờ đến thì một bàn tay đột nhiên từ trong bóng tối thò ra, nắm lấy tay hắn.
Hắn bị đẩy vào giữa ngực. Và một giọng khàn khàn nói nhỏ: - Có cab đấy!
Ngay đấy hắn thấy một cô gái xanh xao đứng sững trước mặt.
Hắn giật nảy mình vì bất ngờ! Hắn thu mình, xông lên một cách dễ sợ. Thật là ghê gớm khi con ác thú lo ngại; dáng sợ sệt của nó đáng sợ. Hắn lùi lại ấp úng:
- Con ranh nào đấy?
- Con gái ông đây!
Thì chính là Êpônin đang nói chuyện với Tênácđiê.
Thấy Êpônin, năm thằng kia, Cơlacơxu, Gơlơme, Babe, Môngpácnát và Bơruygiông rón rén đến gần, im lặng, với cái vẻ chậm rãi rùng rợn của bọn ăn đêm. Tay chúng cầm những khí cụ dữ tợn. Thằng Gơlơme thì cầm một cái kìm cong, bọn ăn đêm thường gọi là cái "khăn quàng". Tênácđiê gầm lên tuy vẫn giữ khẽ giọng:
- Ái chà! Mày làm gì ở đây? Mày muốn làm gì chúng tao? Ai khiến mày đến đây cản trở chúng tao?
Êpônin vùng cười và bá lấy cổ hắn:
- Cha ơi! Con ở đây là vì con ở đây. Bây giờ lại còn cấm người ta không được ngồi ở chân tường sao? Các ông mới không nên đến đây chứ! Đây có quái gì, đã bảo là bánh quy mà! Tôi đã nói với mụ Ma-nhông, ở đây không xơ múi gì đâu. Cha hôn con đi chứ cha! Đã lâu lắm con chẳng gặp cha. Thế cha thoát ra rồi à?
Tênácđiê cố sức gỡ tay Êpônin và càu nhàu:
- Được rồi. Mày đã hôn tao rồi. Ừ tao thoát ra rồi đây! Tao không ở trong ấy nữa. Thôi bây giờ mày đi đi.
Nhưng Êpônin nhất định không buông mà cứ xoắn xuýt vuốt ve cha.
- Cha yêu ơi! Cha làm sao mà ra được thế? Thoát khỏi chỗ ấy thì phải bợm lắm nhỉ! Cha kể lại cho con nghe nào? Mẹ con đâu? Có tin tức mẹ thì cho con biết với.
- Mẹ mày mạnh khỏe, tao không biết đâu. Thôi để mặc tao, mày cút đi.
Êpônin làm ra vẻ nũng nịu như cô con gái được nuông.
- Con không đi đâu! Bốn tháng trời nay chẳng thấy mặt cha, thế mà cha lại đuổi đi ngay, chưa kịp hôn cha nữa. Và nó lại bá lấy cổ cha nó.
- Làm trò quái gì thế? Babe nói.
- Mau lên! Bọn cảnh sát sắp qua đấy!
Có tiếng nói giọng bụng ngâm hai câu:
Hôm nay đếch phải đầu năm
Hôn cha hít mẹ lăng xăng làm gì!
Êpônin quay về phía năm thằng ăn cướp:
- Ô kìa! Ông Bơruygiông. Chào ông Babe, chào ông Cơlacơxu… Ông Gơlơme, ông không nhận được mặt cháu sao? Thế nào Môngpácnát, mạnh khỏe chứ?
- Có, Tênácđiê nói, người ta có nhận ra mày rồi đấy. Thôi chào! Chào! Xéo đi để chúng tao còn công việc.
- Giờ này là giờ cáo ra, không phải giờ của gà mái.[196]Môngpácnát nói.
[196] Gà mái theo tiếng Pháp còn có nghĩa là gái ăn sương, là nhân tình nhân ngãi theo nghĩa nhục dục.
Babe thêm vào:
- Mày biết chúng tao còn phải kiếm chác ở đây mà.
Êpônin nắm tay Môngpácnát. Hắn nói:
- Khéo kẻo đứt mẹ tay giờ! Tao có cái “thái thịt” ở đây.
Anh Môngpácnát thân yêu! Êpônin đáp dịu dàng nhỏ nhẹ.Phải tin người ta chứ. Tôi là con cha tôi kia mà. Ông Babe ơi, ông Gơlơme ơi, tôi đã được giao cho đi điều tra vụ này cơ mà!
Có một điều kỳ lạ là Êpônin không nói tiếng lóng. Từ khi nó quen Mariuytx thì nó không sao dùng nổi thứ ngôn ngữ ghê tởm ấy nữa. Nó cầm những ngón tay cục mịch của Gơlơme trong bàn tay xương xẩu và yếu ớt của nó và nói tiếp:
- Các ông cũng biết tôi có ngốc đâu. Thường thường các ông tin tôi. Tôi được việc cho các ông lắm chứ. Bây giờ tôi đã điều tra rồi thì các ông có vào cũng chỉ vô ích. Tôi thề với các ông, trong cái nhà này không kiếm chác được gì đâu.
- Chỉ có đàn bà thôi, sợ gì? Gơlơme nói:
- Không, họ dọn đi rồi!
- Nến vẫn còn thắp sáng kìa. Babe bảo.
Và hắn chỉ cho Êpônin thấy thấp thoáng sau ngọn cây có ánh đèn đi đi lại lại ở gần mái nhà. Thì ra lúc ấy mụ Tútxanh còn thức phơi quần áo. Êpônin cố cãi lấy được.
- Nhưng mà họ nghèo lắm, trong nhà không có tiền nong gì hết.
- Mày cút đi! Tênácđiê gắt. Khi nào chúng tao đã xáo trộn tất cả cái nhà này rồi, lật ngược cái hầm đựng rượu lên trên, cái mái nhà xuống dưới, bấy giờ chúng tao sẽ nói cho mày biết đấy là tiền lớn, là hào hay là xu.
Lão đẩy con bé ra để tiến lên nhưng con bé vẫn nói: Này anh bạn Môngpácnát ơi, tôi xin anh, anh là người tốt, anh đừng vào đấy.
Môngpácnát chỉ đáp:
- Khéo, kẻo mà đứt tay giờ!
Tênácđiê giở giọng quyết đoán hàng ngày của hắn:
- Con “ranh”, xéo ngay để đàn ông người ta còn làm ăn.
Êpônin buông tay Môngpácnát và hỏi:
- Thế là các ông muốn vào nhà này?
- Cũng có phần như thế đấy! Tên giọng bụng cười gằn, đáp.
Êpônin liền tựa lưng vào hàng rào sắt đối diện với sáu tên cướp võ trang đến chân răng kẽ tóc. Trong bóng tối, mặt chúng trông như mặt quỷ. Nó nói thấp giọng nhưng kiên quyết:
- Thế nhưng mà tôi thì không muốn.
Bọn kia ngẩn người. Tuy vậy thằng nói giọng bụng cũng cười dứt tiếng. Con bé lại nói:
- Anh em nghe tôi cho rõ. Không phải vậy. Bây giờ tôi xin nói đây. Trước hết, nếu các anh vào cái vườn này, nếu các anh động đến hàng rào sắt này thì tôi sẽ kêu lên, tôi đấm cửa đánh thức mọi người dậy, tôi sẽ gọi cảnh sát tóm cổ cả sáu người.
Tênácđiê nói khẽ với Bơruygiông và thằng nói giọng bụng:
- Nó làm thật đấy.
Êpônin lắc đầu và nói thêm:
- Trước hết là tóm lấy cha tôi.
Tênácđiê đến gần nó, Êpônin thét:
- Ông già đứng xê ra.
Tênácđiê lùi lại càu nhàu:
- Con này sao lại giở quẻ thế nhỉ?
Và hắn nói tiếp:
- Đồ chó đẻ!
Con bé cười lên dữ tợn:
- Gì cũng được. Nhưng các ông không vào được đâu! Đây không phải là con của chó mà con của lang sói cơ! Các ông sáu người nhưng tôi sợ gì. Các ông là đàn ông, ừ! Tôi là đàn bà con gái đấy, nhưng tôi không sợ các ông đâu. Thôi đi đi. Tôi nói cho mà biết: các ông không đặt chân vào cái nhà này được đâu, bởi vì tôi không thích thế. Các ông đến gần thì tôi sủa ầm lên bây giờ. Tôi đã nói mà: Cab chính là tôi đây. Tôi cóc cần các ông. Đi đâu thì đi! Đừng đến đây mà ngứa mắt tôi. Tôi cấm. Đấy có dao phay, đây có guốc, cóc sợ! Nào lại đây nào. Con bé tiến về phía bọn cướp, trông ghê rợn. Nó lại cười sằng sặc.
- Biết chưa? Tôi sợ cóc gì. Mùa hè này tôi sẽ đói, mùa đông này tôi sẽ rét. Sáu mạng đàn ông kia tưởng làm cho một con bé này sợ thì buồn cười quá. Sợ gì? Sợ? Ừ phải, sợ gớm. Vì các ông có mấy con mèo nghe các ông to tiếng thì bò xuống gậm giường nên các ông tưởng người ta sợ các ông phải không? Đây chả sợ gì ráo!
Nó nhìn xỉa xói vào mặt Tênácđiê và nói:
- Đến cả ông nữa cũng thế thôi.
Rồi nó đưa cặp mắt đỏ ngầu như mắt ma, lườm tất cả bọn cướp một lượt.
- Đây thì chẳng cầu gì, ngày mai có ai nhặt được xác đây, bị đao của cha đây đâm chết ở cái phố Pơluymê này hay là trong một năm nữa có ai thấy đây ngồi trong trại giam ở Xanh Cơlu hay trôi giạt ở cù lao Thiên nga cùng với nút chai thối và thây chó chết trôi, đây cũng cóc cần.
Con bé nói đến đó thì ngừng lại, cơn ho khan nổi lên, hơi thở hắt ra từ cái lồng ngực lép kẹp và còm cõi, nghe như tiếng rên rỉ.
- Tôi chỉ kêu lên một tiếng là người ta đến, nó nói tiếp. Thế là xong. Đằng ấy sáu người nhưng đây là cả thiên hạ.
Tênácđiê tiến lên một bước. Con bé thét:
- Không được đến gần.
Lão này dừng lại dỗ dành:
- Ừ! Tao không bước tới nữa, nhưng con đừng tru tréo lên như vậy. Này con! Con muốn cản trở không cho cha và các chú làm ăn phải không? Chúng tao phải kiếm ăn mới sống được chứ! Con không còn thương xót gì cha con nữa ư?
- Ông làm tôi phát ngấy.
- Chúng tao phải sống, phải ăn.
- Chết quách đi có được không?
Nói xong nó ngồi xuống cạnh chân tường nghêu ngao hát:
Tay ta tròn trịa
Chân ta xinh xinh
Thời gian bỏ phí…
Nó chống khuỷu tay vào đầu gối, bàn tay đỡ cằm, chân đu đưa ra vẻ phớt đểu thiên hạ. Áo thì rách bươm lòi cả xương quai xanh, gầy đét. Cây đèn đường bên cạnh chiếu sáng hình thù và dáng điệu của nó. Thật trên trần đời không còn cái gì kiên quyết hơn và kỳ lạ hơn.
Sáu thằng kẻ cướp không dám làm gì, tức tối vì thua một đứa con gái, kéo nhau vào bóng tối bàn bạc, nhún vai rụt cổ, giận dữ và bực nhục.
Con bé nhìn chúng với vẻ mặt bình tĩnh nhưng dữ dội.
Babe nói:
- Nó có ý gì đây. Có cớ đấy. Hay nó phải lòng con cab.
Nhưng mà bỏ lỡ thì tiếc thật. Chỉ có hai người đàn bà và một lão già ở tại sân trong. Ở các cửa sổ có màn che khá sang. Lão này phải là một lão Do thái.[197] Món này quyết là bở.
[197] Do thái: ở nước Pháp ngày trước, những người chủ ngân hàng, tư bản tài chính thường là người Do thái nên trong ngôn ngữ, Do thái còn có ý nói là người giàu.
Môngpácnát giục:
- Vậy thì các anh cứ vào. Cứ tiến hành. Tôi ở đây với con bé, và nếu nó có ho he thì…
Nó giơ con dao trần lấp loáng dưới ánh đèn.
Tênácđiê không nói gì, sẵn sàng hễ người ta làm gì thì làm nấy.
Bơruygiông vốn có tiếng tiên tri, lại là tay đã tìm ra món này như đã biết từ nãy vẫn chưa hé miệng. Hắn có vẻ nghĩ ngợi. Ai cũng biết tính hắn liều mạng. Một lần hắn đã ăn trộm ngay trong một đồn cảnh sát để khoe gan. Hắn lại biết làm thơ và hát nên được bọn kia tín nhiệm lắm. Babe hỏi nó:
- Bơruygiông! Sao mày không nói gì cả?
Bơruygiông đứng im một lát rồi lắc đi lắc lại cái đầu theo nhiều kiểu khác nhau. Cuối cùng hắn mới chịu nói:
- Thế này: sáng nay tao trông thấy hai con chim sẻ cắn nhau, buổi chiều tao tông phải một mụ đàn bà đang cãi nhau. Toàn là điềm gở tất. Thôi chúng mình xéo đi.
Cả bọn kéo đi.
Vừa đi Môngpácnát vừa lẩm bẩm:
- Cũng chẳng sao, giá như các anh muốn thì tớ đã thí nhẹ cho nó một nhát.
- Tớ thì không, Babe đáp. Tớ không có đánh giết đàn bà.
Đến chỗ đầu đường phố, chúng dừng lại, trao đổi với nhau bằng tiếng lóng, giọng thì thầm:
- Tối nay ngủ đâu?
- Ở dưới Pari.
- Tênácđiê ơi! Mày có chìa khóa cửa sắt đấy không?
- Có.
Êpônin theo dõi chúng không rời mắt, thấy chúng đã đi theo đúng con đường chúng vừa đến. Nó đứng dậy và bò theo dọc chân tường và các ngôi nhà. Nó cứ lần theo chúng như vậy cho đến đại lộ. Đến đây bọn kia chia tay và nó thấy sáu người lũi sâu vào bóng tối như tan biến trong đó.