Những người khốn khổ - PHẦN II - Quyển VIII - Chương 04 - 05

IV
GIĂNG VANGIĂNG CÓ VẺ ĐÃ ĐỌC LẦU ÔTSTANH CATSTILEGIÔ
Người thọt dẫu có bước nhanh thì cũng như người chột muốn liếc mắt nhìn ngang: không làm sao đến đích cho nhanh được. Vả lại, tâm thần Phôsơlơvăng rối tung. Phải đến mười lăm phút, ông mới lê được về đến căn nhà nơi góc vườn. Côdét đã dậy. Giăng Vangiăng đặt nó ngồi bên đống lửa. Vừa lúc Phôsơlơvăng bước vào nhà thì Giăng Vangiăng đang chỉ cái giỏ treo trên tường mà bảo:
- Con ạ, con nghe kỹ đây này. Bây giờ hai bố con mình phải ra khỏi nhà này: ra rồi lại trở vào, ở đây tha hồ sướng. Ông già này sẽ cho con vào giỏ để mang con ra. Con đợi bố ở nhà một bà quen biết. Bố sẽ đến đón. Nhớ kỹ, con phải vâng lời mà nín thin thít không thì mụ Tênácđiê lại đến bắt cho mà xem.

Côdét nghiêm trang gật đầu.
Thấy tiếng Phôsơlơvăng đẩy cửa, Giăng Vangiăng quay lại:
- Thế nào bác?
- Xong xuôi cả, thế mà lại chưa đâu vào đâu. Đã được phép đưa bác vào ở đây. Nhưng phải đưa bác ra trước đã. Thế mới kẹt chứ! Cháu bé thì dễ lắm.
- Bác mang cháu đi à?
- Cháu có im được không?
- Bác cứ tin ở tôi.
- Thế còn bác, bác Mađơlen ơi?…
Sau một lát yên lặng nặng nề, ông Phôsơlơvăng kêu lên:
- Bác vào lối nào thì cứ lối ấy mà ra chứ sao!
Giăng Vangiăng chỉ trả lời gọn lỏn như lần trước: “Không thể được”.
Phôsơlơvăng lầm bầm như muốn nói một mình chứ không phải nói với Giăng Vangiăng:
- Có một việc khác làm mình dằn vặt. Mình nói mình sẽ đổ đất vào. Ấy thế nhưng mà mình nghĩ lại thấy đất mà thay cho xác chết thì chẳng giống tí nào. Không ổn đâu, đất xê dịch, đất động đậy, người khiêng sẽ nhận thấy điều đó. Bác Mađơlen hiểu chứ, bọn phu nhận thấy được chính phủ cũng sẽ nhận thấy.
Giăng Vangiăng nhìn thẳng vào mắt lão và tưởng lão mê sảng.
Lão lại nói:
- Bác ra cách đếch nào bây giờ? Mai là phải xong xuôi cả. Mai tôi phải dẫn bác vào đây rồi. Mẹ nhất chờ bác đấy.
Nói xong, ông cắt nghĩa cho Giăng Vangiăng biết là được như thế, bởi vì ông đã giúp giáo hội được một việc và người ta thưởng công cho ông ta: là ông cũng được dự phần chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông; là ông đóng áo quan và giúp việc hạ huyệt. Còn mẹ Cơruyxiphixiông qua đời sáng nay, theo yêu cầu của mẹ, thì đặt trong quan tài riêng mà bà vẫn nằm và chôn ngay trong hầm mộ dưới bàn thờ của nhà nguyện. Sở cảnh sát cấm ngặt việc này. Nhưng mẹ Cơruyxiphixiông thuộc loại nữ tu sĩ muốn gì cần phải được nấy. Mẹ nhất và các mẹ khác đều nhất định làm theo ý nguyện của người đã chết, còn thì mặc kệ chính phủ. Lão Phôsơlơvăng này sẽ đóng cái quan tài trong buồng riêng, rồi mở nắp hầm mộ ra mà chôn dưới hầm. Mẹ nhất đền ơn ông lão bằng cách, cho người em lão và đứa cháu gái được ở trong nhà tu, ông làm vườn, cháu đi học. Người em ấy, chính là ông Mađơlen, đứa cháu gái là Côdét. Mẹ nhất bảo chiều mai phải dẫn hai người vào, sau cuộc đưa ma giả. Nhưng làm thế nào để dẫn ông Mađơlen vào được, khi ông Mađơlen vẫn ở trong này. Đấy là điều lúng túng thứ nhất; thứ hai là còn chiếc quan tài rỗng.
Giăng Vangiăng hỏi:
- Cái quan tài rỗng là thế nào?
- Cái quan tài của Nhà nước ấy mà.
- Quan tài nào? Nhà nước nào?
- Có một mẹ chết. Người y sĩ thành phố đến khám và bảo có một mẹ chết. Thế là chính phủ đưa một cái quan tài đến. Ngày hôm sau, chính phủ lại đưa xe và phu đòn đến để đưa ra nghĩa trang. Phu đến, khiêng quan tài lên, sẽ thấy nhẹ bỗng.
- Cứ nhét cái gì vào đấy.
- Một xác chết à? Tôi làm gì có.
- Không.
- Thế cái gì?
- Một người sống.
- Ai cơ?
- Tôi.
Phôsơlơvăng giật bắn người đứng dậy, như thể có pháo nổ ngay dưới ghế.
- Bác ấy à?
- Chứ sao?
Giăng Vangiăng mỉm cười, - cái mỉm cười hãn hữu như một tia sáng trong bầu trời mùa đông.
- Bác Phôsơlơvăng này, bác chả vừa nói: Mẹ Cơruyxiphixiông chết, mà tôi chả nói thêm “còn lão Mađơlen thì phải chôn đi” à? Thế mà thành sự thật đấy.
- Bác chỉ hay nói bóng.
- Nói thật đấy chứ. Phải ra khỏi đây phải không?
- Vâng.
- Tôi đã bảo bác cũng phải kiếm cho tôi cái giỏ và tấm bạt.
- Thế sao?
- Giỏ thì giỏ gỗ thông, còn bạt thì là tấm chăn liệm đen.
- Không, khăn trắng chứ. Đám tang các nữ tu sĩ tuyền trắng hết.
- Ừ thì trắng.
- Bác Mađơlen, bác thật khác người.
Thấy những điều tưởng tượng như vậy, những điều tưởng tượng đó vốn chỉ là những phát minh tự nhiên và táo bạo trong tù, vượt qua sự yên ổn thường nhật, can thiệp vào nề nếp của tu viện, đó là những điều khiến lão Phôsơlơvăng kinh ngạc, đó là những người qua đường nhìn thấy chim hải âu bắt cá trong rãnh nước phố Xanh Đơni. Giăng Vangiăng nói tiếp:
- Cần phải ra khỏi đây mà không bị lộ. Cách ấy cũng tiện. Nhưng tôi hỏi bác cái này. Công việc tiến hành thế nào? Cái quan tài ấy để đâu?
- Cái quan tài rỗng ấy à?
- Phải.
- Ở dưới kia, dưới nhà xác. Quan tài đặt trên hai cái giá, phủ một cái chăn liệm.
- Quan tài dài bao nhiêu?
- Hai thước.
- Nhà xác là thế nào?
- Đấy là một buồng ở tầng nền, có một cửa sổ trông ra vườn, căng lưới sắt, muốn đóng cửa phải đứng phía ngoài mà đóng; và có hai cửa ra vào, một thông với nhà tu, một thông ra nhà thờ.
- Nhà thờ nào?
- Nhà thờ ngoài phố đấy, nhà thờ chung của dân.
- Bác có chìa khóa hai cửa ấy không?
- Không. Tôi chỉ giữ chìa khóa cửa vào nhà tu; còn chìa khóa cửa kia thì bác gác giữ.
- Lúc nào thì bác gác mở cửa?
- Chỉ mở một lần cho phu đòn vào khiêng quan tài xong lại đóng ngay.
- Ai đóng quan tài?
- Tôi.
- Ai phủ khăn liệm?
- Tôi.
- Chỉ có một mình bác?
- Phải, ngoài tôi và ông y sĩ của sở cảnh sát không người đàn ông nào được vào buồng ấy. Trên tường, có viết hẳn hoi như thế.
- Đêm nay, lúc nhà tu ngủ cả, bác có cách nào giấu tôi vào buồng ấy được không?
- Không: nhưng có một cái kho hẹp thông với nhà xác, để dụng cụ chôn cất; có thể giấu bác ở đấy được. Tôi giữ kho ấy, lại có chìa khóa.
- Mấy giờ mai xe tang đến đưa quan tài đi?
- Độ ba giờ chiều. Chôn ở nghĩa địa Vôgira, lúc sẩm tối. Cũng khá xa.
- Tôi sẽ trốn trong buồng kho suốt đêm nay và buổi sáng sớm. Còn ăn uống thì thế nào. Bị đói mất.
- Tôi sẽ mang cái ăn đến cho bác.
- Thế là đến hai giờ trưa, bác đến đóng quan tài của tôi lại.
Phôsơlơvăng lùi lại một bước, bẻ khúc tay kêu răng rắc.
- Không làm thế được.
- Có gì đâu, cứ việc cầm búa mà nện cho đinh ăn phập vào tấm ván mà!
Điều đối với Giăng Vangiăng thật giản dị thì Phôsơlơvăng lại thấy dị thường. Giăng Vangiăng đã từng gặp nhiều khúc eo nguy hiểm hơn. Đã ở tù thì ai cũng biết cái nghệ thuật tài tình là thu mình cho lọt tất cả những khe hở để mà trốn thoát. Kẻ tù nhân bao giờ cũng mong vượt ngục, cũng như người ốm tất gặp lúc lên cơn, một là sống hai là chết. Vượt ngục, tức là khỏi bệnh này. Muốn khỏi bệnh thì làm gì chẳng phải làm? Để người ta đóng đinh lên quan tài mình nằm, rồi để người ta khuân đi như khuân một kiện hàng, sống khá lâu trong cái hòm kín mít, thở trong một nơi không có không khí, biết cách hà tiện hơi thở hàng mấy giờ liền, biết cách chịu ngạt mà không chết; đấy là tất cả tài nghệ não lòng của Giăng Vangiăng. Nhưng một cái áo quan đựng một người sống, mưu mẹo của một tù nhân khổ sai cũng là mưu mẹo của một vị hoàng đế. Nếu tin lời linh mục Ôtstanh Catstilêgiô, đây là cái mẹo của Sáclơ Canh dùng sau khi ông đã thoái vị để gặp lại một lần cuối cùng La Pôlômbơ: bằng cách ấy người ta đã đưa nàng kia vào trong tu viện Xanh Giuyt, rồi lại đưa ra.
Phôsơlơvăng đã hơi hoàn hồn, ông nói:
- Làm thế nào để thở được?
- Tôi thở được.
- Trong cái hòm ấy à? Tôi chỉ nghĩ đến cũng đủ chết ngạt rồi.
- Chắc là bác có mũi khoan; bác khoan cho tôi mấy lỗ nhỏ quanh chỗ mồm và lúc đóng ván thiên, bác chớ đóng khít quá.
- Được, thế nhỡ bác ho hay hắt hơi thì sao?
- Đã đi trốn thì không ho, cũng không hắt hơi.
Giăng Vangiăng lại nói thêm:
- Bác ạ, ta phải nhất quyết đi thôi: một là bị bắt ở đây hai là phải chui vào xe tang mà ra.
Chắc ai cũng nhận thấy giống mèo ưa cái thú dừng lại quẩn quanh giữa hai cánh cửa hé mở. Ai chả bảo con mèo thì mày vào đi. Người cũng vậy, có những kẻ đứng trước một khó khăn vừa chợt tới thì cũng hay lưỡng lự giữa hai thái độ, để đến nỗi có khi số mệnh chợt ấp xuống nghiền nát mình và kết thúc sự kiện. Những kẻ quá thận trọng, mặc dù cẩn thận như mèo và chính vì họ là mèo, đôi khi gặp nguy hiểm hơn là những kẻ táo bạo. Phôsơlơvăng thuộc vào hạng người hay lưỡng lự như thế. Nhưng dù sao, sự gan dạ của Giăng Vangiăng cũng thắng được ông. Ông lầm bầm:
- Ngoài cách ấy cũng không còn cách nào khác.
Giăng Vangiăng lại nói:
- Tôi chỉ ngại có một điều là ra ngoài nghĩa địa không biết công việc sẽ thế như nào.
- Ấy, cái ấy tôi lại không lo. Nếu bác biết cách nằm trong quan tài vô sự, thì tôi, chắc chắn là tôi sẽ lôi được bác lên khỏi huyệt. Cái lão đào huyệt, tôi quen thân, lúc nào cũng say bí tỉ. Lão Métchiên ấy mà. Lão đào huyệt bỏ người chết trong huyệt mà tôi thì tôi bỏ lão đào huyệt trong túi tôi. Công việc thế nào, để tôi nói bác rõ. Đến nghĩa trang lúc sắp tối, khoảng bốn mươi nhăm phút trước khi nghĩa trang đóng cổng. Xe tang đi đến tận huyệt; việc của tôi là phải đi theo xe. Tôi sẽ bỏ túi một cái búa, một cái đục và một cái kìm. Lúc xe đỗ, bọn phu đòn lấy thừng buộc quan tài lại, hạ bác xuống huyệt. Linh mục cầu kinh, làm dấu, rẩy nước thánh rồi chuồn. Thế là chỉ còn tôi với lão Métchiên. Ấy, bạn nối khố đấy nhé. Chỉ có hai điều, một là hắn say túy lúy, hai là không say. Không say thì tôi chỉ bảo: “Này, quán Bông-quăng còn mở đấy, ra làm một tợp đi”. Thế là cứ việc kéo hắn đi, rồi đổ rượu cho hắn say. Lão Métchiên thì chỉ một chốc là say mềm vì lúc nào hắn cũng đã sẵn ngà ngà. Lúc ấy tôi sẽ đặt hắn nằm xuống gầm bàn rồi lấy tấm thẻ của hắn để vào nghĩa trang một mình. Thế là chỉ còn một mình tôi với bác. Còn nếu hắn đã say sẵn thì chỉ việc bảo: “Thôi, cút đi, không ai khiến, mình làm hộ cho”. Hắn đi là tôi cứ việc kéo bác ở dưới hố lên.
Giăng Vangiăng chìa bàn tay ra, ông Phôsơlơvăng ôm chầm lấy với tất cả tấm tình nồng nàn, chất phác.
- Cứ thế, bác Phôsơlơvăng nhé. Rồi ổn cả.
Phôsơlơvăng nghĩ thầm:
- Miễn là không gặp trở ngại gì. Không thì nguy lắm.
V
NGHIỆN RƯỢU CHƯA ĐỦ ĐỂ TRỞ THÀNH BẤT TỬ
Ngày hôm sau, vào lúc xế chiều, khách bộ hành thưa thớt trên đại lộ hạt Mennơng ngả mũ chào một chiếc xe tang kiểu cũ kỹ. Xe chạm trổ những đầu lâu, xương ống chân và những giọt lệ. Trong xe, đặt một cái quan tài phủ chăn trắng có một chữ thập đen lớn nằm dài trông như một xác chết, tay buông thõng. Theo sau là một cái xe song mã, có một linh mục bận áo lễ ngắn và một chú bé giúp lễ đội mũ chụp màu đỏ. Hai người phu đòn bận đồ xám viền đen đi hai bên chiếc xe tang. Phía sau là một ông già mặc quần áo thợ đi khập khiễng. Đám tang đi về phía nghĩa trang Vôgira.
Ở túi áo ông già, thấy thò ra một cái cán búa, một lưỡi đục và hai cái kìm.
Nghĩa trang Vôgira là một nghĩa trang đặc biệt ở Pari. Nó có những tập tục riêng, lại có hai cổng, một cổng cho xe đi và một cổng xép. Trong xóm các cụ già cứ quen lối gọi cũ là cổng ngựa và cổng bộ. Các mẹ trong nhà tu Pơti Pichpuýt được chôn ở một khu riêng, chôn vào buổi tối. Khu này nguyên trước thuộc về giáo hội của họ. Bởi vậy, những phu đào huyệt ở nghĩa trang này có công việc phải làm thêm vào chiều tà nếu là mùa hè, vào đêm nếu là mùa đông, theo một kỷ luật riêng. Các nghĩa trang ở Pari thời ấy, cứ tối đến là đóng cổng; đấy là lệnh chung của thành phố nên nghĩa trang Vôgira cũng phải tuân theo. Cái cổng ngựa và cổng bộ đều là cổng sắt, giáp liền với nhau. Kế liền đó là một cái chòi do nhà kiến trúc Peronnê xây nên và để cho bác gác cổng ở. Cứ lúc mặt trời khuất sau nóc nhà điện Anhvalit thì cánh cổng sắt lại nhất thiết quay rít trên bản lề. Chẳng may lúc ấy có bác phu đào huyệt nào còn vẩn vơ trong nghĩa trang thì chỉ có một cách duy nhất để ra ngoài là trình tấm thẻ do cơ quan trông nom việc tang ma của nhà nước cấp phát. Có một cái hòm như hòm thư treo ở cửa sổ nhà bác gác. Bác phu cứ việc ném cái thẻ của mình vào hòm, tức thì bác gác nghe thấy, bác kéo cái dây và cổng bộ từ từ mở. Nếu có ai quên thì bác gác đôi khi đã vào ngủ liền trở dậy ra nhận mặt, rồi mở khóa cổng. Người phu quên thẻ được ra nhưng phải nộp mười lăm phơrăng tiền phạt.
Cái nghĩa địa này với những cái độc đáo ngoại lệ không khớp với cảnh cân đối hành chính cho nên người ta đã hủy bỏ nó ít lâu sau 1830. Nghĩa địa Môngpácnaxơ, cũng gọi là nghĩa địa Nam thay thế cho nó và thừa hưởng cái quán rượu nổi tiếng sát vách với nghĩa địa Vôgira. Quán rượu này trên mái có một quả thị vẽ sơn dầu trên một tấm ván. Quán này quay một phía ra các dãy bán rượu, một phía ra các hàng mồ mả, với mộ cái biển: Quán Bông-quăng (Auboncoing: quả mộc qua ngon).
Nghĩa trang Vôgira có thể gọi là một nghĩa trang đã đến lúc tàn, không hợp thời nữa. Cỏ hoa đã chết từ lâu chỉ còn rêu phong lan dần khắp chỗ. Những người có của không thiết gì được chôn cất ở Vôgira. Vì nó mang cái dáng kẻ nghèo. Nghĩa trang Pe Lasedơ thì nói gì! Được chôn ở Pe Lasedơ chẳng khác gì trong nhà có bàn ghế gụ. Thanh lịch gặp nhau ở đấy. Còn nghĩa trang Vôgira là một nơi cổ kính; vườn trồng theo kiểu cũ. Đường đi thẳng tắp, trồng nào hoàng dương, nào tùng, nào bách, nào ô rô, với những ngôi mộ cổ dưới bóng thông già, cỏ mọc cao vút. Chiều đến thì phong cảnh thê lương, nổi lên những đường nét vô cùng ảm đạm.
Lúc xe tang phủ khăn trắng có chữ thập đen đi vào đại lộ nghĩa trang Vôgira thì mặt trời chưa khuất hẳn. Người khập khiễng sau xe tang chính là Phôsơlơvăng.
Việc chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông nơi hầm mộ dưới bàn thờ, việc đưa Côdét ra ngoài, việc Giăng Vangiăng trốn vào nhà xác, tất cả mọi việc đều trôi chảy, không gặp khó khăn gì.
Cũng nói qua rằng việc chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông dưới bàn thờ của tu viện, chúng tôi coi là một điều vi phạm nhỏ thôi. Đây là một tội lỗi có vẻ như một nhiệm vụ. Các bà nữ tu sĩ đã làm như vậy không những không chút xao xuyến gì mà lại còn như được lương tâm tán thưởng. Trong nhà tu kín, cái gọi là “Chính phủ” thì chỉ là một sự can thiệp vào quyền hành nhà tu, một sự can thiệp khó thừa nhận. Quy tắc trước đã, còn luật pháp thì sau hẵng hay. Các ngươi hãy cứ làm ra luật này, luật khác tha hồ, nhưng hãy giữ những luật pháp ấy cho các người. Thuế qua đường trả cho nhà vua chỉ là phần thừa thuế nộp cho Chúa Trời. Một nguyên thủ không có nghĩa lý gì đối với một nguyên tắc.
Phôsơlơvăng kéo lê chân theo xe tang, lòng khấp khởi mừng thầm. Cả hai điều bí mật, cả hai vụ mưu mô song sinh - một về các mẹ, một về Giăng Vangiăng, một mang quyền lợi nhà tu, một chống lại kỷ luật nhà tu, - cả hai đều thành công. Giăng Vangiăng thì bình tĩnh, cái bình tĩnh mãnh liệt ấy lan sang lão làm vườn. Phôsơlơvăng chắc mẩm sẽ thành công đến đầu đến đũa. Chỉ còn một vài việc dễ như trở bàn tay. Hai năm nay, ông đã từng làm cho Métchiên say rượu đến hàng chục lần, - cái lão má phị, lành như cục đất, làm gì mà chẳng được, thật dễ như bỡn. Lừa thế nào mà Métchiên chẳng mắc. Như xỏ mũi mà dắt. Lão Phôsơlơvăng hoàn toàn yên tâm.
Lúc đám tang vừa rẽ vào đại lộ nghĩa trang. Phôsơlơvăng sướng quá, nhìn xe tang rồi xoa xoa hai bàn tay thô kệch, nói một mình:
- Thật là một trò hề!
Bỗng xe dừng lại, đã đến cổng. Phải trình giấy tờ. Người trông nom đám ma nói gì với bác gác cổng. Trong lúc hai người nói chuyện với nhau, đám tang dừng lại một, hai phút, bỗng có ai, một người lạ mặt, tiến đến đứng ngay sát Phôsơlơvăng, đằng sau xe tang. Trông như một người thợ, hắn mặt một cái áo có túi to tướng, tay xách một cái cuốc.
Phôsơlơvăng nhìn kẻ lạ mặt, hỏi:
- Bác là ai nhỉ?
Người kia trả lời:
- Kẻ đào huyệt.
Phôsơlơvăng sửng sốt như kẻ vừa sống sót sau khi bị đạn đại bác bắn trúng ngực.
- Đào huyệt à?
- Phải.
- Bác ấy à?
- Phải.
- Ông Métchiên cơ mà!
- Trước thì thế.
- Trước là thế nào?
- Ông ấy chết rồi còn đâu!
Phôsơlơvăng ngờ gì thì ngờ, chứ không thể ngờ được rằng một kẻ chôn người mà cũng phải chết. Ấy, nhưng sự thật cứ thế; kẻ đào huyệt cũng chết như ai. Đào hố cho người mãi, rồi cũng đến lúc mở cái hố cho mình.
Phôsơlơvăng há hốc mồm. Ông cố lắp bắp mấy tiếng khe khẽ:
- Không thể như thế!
- Thế mà như thế đấy.
- Nhưng ông Métchiên mới là người đào huyệt cơ mà?
Lão Phôsơlơvăng gắng gượng nói, gần như đuối hơi.
- Sau hoàng đế Napôlêông là vua Lui XVIII. Sau Métchiên là Gơribiê. Bác nhà quê này, tôi là Gơribiê.
Mặt Phôsơlơvăng xám xanh lại; ông nhìn kỹ anh chàng Gơribiê. Một người cao lêu nghêu gầy gò, xanh mét, thật là hình ảnh của tang ma. Hắn có vẻ là một người thầy thuốc bất thành tài xoay ra đào huyệt.
Phôsơlơvăng bật cười:
- Lắm việc quái lạ thật. Lão Métchiên mà cũng chết. Lão Métchiên chết nhưng lão Lơnoa vạn tuế! Bác biết lão Lơnoa là cái gì không? Cái vò vang đỏ thượng hảo hạng! Cái vò rượu của Xuyrexnơ chính cống của Pari. Ái chà! Lão Métchiên chết rồi à. Kể cũng tiếc. Lão biết cái thú sống ở đời lắm. Mà này bác, bác hẳn cũng biết cái thú nhậu nhẹt phải không? Chốc, hai chúng mình làm một hớp rượu nhé.
Người kia trả lời:
- Tôi chân học trò, tôi đã học hết năm thứ tư. Tôi không uống rượu bao giờ.
Cái xe tang lại từ từ lăn bánh trên con đường lớn trong nghĩa trang.
Phôsơlơvăng đi chầm chậm lại. Ông càng khập khiễng, vì lòng rối như tơ vò, chứ đâu chỉ vì chân mang tật.
Anh chàng Gơribiê đi phía trước.
Phôsơlơvăng lại ngắm kỹ cái thằng cha Gơribiê bất ngờ một lần nữa.
Hắn thuộc loại người còn trẻ nhưng đã có vẻ già, gầy nhưng rất khỏe.
Phôsơlơvăng gọi:
- Ông bạn ơi!
Anh chàng quay lại:
- Tôi là người đào huyệt của nhà tu đây.
- Bạn đồng nghiệp của tôi - hắn đáp.
Tuy ông Phôsơlơvăng không có học thức nhưng ông rất tinh ý. Ông biết ngay là gặp phải một tay cừ khôi, một anh chàng lém miệng.
Ông lầm bầm:
- Thế là lão Métchiên chết rồi.
Anh chàng kia trả lời:
- Chết đứt rồi. Chúa Trời đã tra sổ thiên tào, đến lượt Métchiên mà lị. Lão Métchiên chết rồi.
Phôsơlơvăng nhắc lại như cái máy:
- Chúa Trời…
Anh kia dõng dạc:
- Chúa Trời. Các nhà triết học thì gọi là Thượng đế, các người Giacôbanh gọi là Đấng cao cả.
Phôsơlơvăng ấp úng:
- Chúng mình làm quen với nhau đi thôi chứ!
- Quen rồi còn gì. Ông là một nông dân. Tôi thì là người Pari.
- Chưa cùng nhau uống chén rượu thì gọi là quen biết làm sao được. Có cạn chén mới cạn lòng. Rồi bác cùng đi với tôi nhé. Chắc bác chẳng tiện từ chối.
- Nhưng làm xong việc đã.
Phôsơlơvăng nghĩ thầm: chết bỏ mẹ rồi.
Chỉ còn một vài vành bánh xe nữa là đến con đường nhỏ đi vào khu mộ các mẹ.
Anh chàng Gơribiê nói:
- Bác ạ, tôi phải nuôi bảy đứa nhỏ. Chúng nó phải ăn, tất mình phải nhịn rượu.
Thế rồi hắn nói thêm, ra vẻ đắc ý vì đã tìm được một câu nói ý vị:
- Chúng nó no thì tôi khát, no, khát thù nhau.
Xe tang lượn quanh lùm cây trắc bá, rời con đường lớn rẽ vào con đường nhỏ, rồi vào một khu những mộ đất đầy cỏ dại. Đã đến sát huyệt.
Phôsơlơvăng đi chậm lại, nhưng không sao giữ cái xe đi chậm lại được. Cũng may, đất thì xốp, mưa lại nhiều nên bánh xe quánh những bùn, nặng nhọc lắm mới tiến lên được.
Ông già đến gần anh chàng kia, thì thầm:
- Có rượu Acgiăngtơi ngon lắm.
- Cái bác nhà quên này! Xin nhớ cái nghề chôn người này không phải là nghề tôi nhé. Ông cụ nhà tôi trước gác cổng ở trường thiếu sinh quân. Ông cụ định cho tôi theo nghề văn. Nhưng chẳng may, nhà gặp nạn, bị thua lỗ ở Sở giao dịch. Thế là tôi bỏ nghề văn, nhưng vẫn viết mướn.
Phôsơlơvăng thấy có cành cây mỏng mảnh có thể cứu mình, ông bám lấy:
- Thế bác không phải làm nghề đào huyệt à?
- Cả hai; ai cấm tôi kiêm nhiệm cả hai?
Ông Phôsơlơvăng không hiểu “kiêm nghiệm” là gì. Ông nói:
- Đi uống rượu đi.
Cần phải chú ý điều này. Mặc dù Phôsơlơvăng đang rối bời cả ruột gan, khi ông rủ anh chàng kia đi uống rượu, ông không nói rõ một điều là ai sẽ trả tiền. Cứ thói thường thì Phôsơlơvăng là người rủ đi, còn Métchiên thì trả tiền. Bây giờ thì khác rồi. Người đào huyệt mới gây ra một tình thế mới do đó cần thiết phải mời rượu hắn. Nhưng tuy đứng ra mời, Phôsơlơvăng cứ lờ tít cái khoản ai trả tiền đi. Xúc cảm thì xúc cảm, ông vẫn không thiết bỏ tiền ra trả bữa rượu.
Gơribiê nói tiếp, miệng mỉm cười ra vẻ đàn anh:
- Phải ăn đã chứ. Tôi xin vào kế vị cụ Métchiên. Khi đã được cắp quyển sách đế trường thì phải sống cho ra nhà triết học chứ. Ngoài việc viết mướn, tôi lại bắt cánh tay làm việc nữa. Cửa hàng viết của tôi ở ngoài chợ phố Xevơrơ. Bác biết chứ? Chợ Ô ấy mà. Các chị nấu bếp ở Hội Hồng thập tự, chị nào cũng nhờ tay tôi cả. Các chị nhờ tôi thảo thư tình gửi cho các chú quyền ở doanh trại. Sáng viết thư tình, chiều đào huyệt. Đời là thế đấy, bác ạ.
Xe tang vẫn tiến, Phôsơlơvăng vô cùng lo lắng, nhìn tứ phía chung quanh. Mồ hôi nhỏ giọt từ vầng trán.
Anh chàng kia lại tiếp:
- Thế nhưng bắt cá hai tay cũng không xong. Một là chọn quản bút, hai là cái cuốc. Cái cuốc làm bàn tay tôi hư đi.
Xe tang dừng lại.
Chú bé giúp lễ xuống trước, linh mục xuống sau.
Bánh xe trước đã leo lên đống đất sát liền ngay miệng hố trống hốc.
Phôsơlơvăng thất kinh, nhắc lại một câu nói trước:
- Thật là một trò hề!